Góc nhìn

Phơi bày "góc khuất" ngành điện, thất thu ngân sách

DNVN - Mặc dù thời hiệu của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết, trong thời gian chờ hướng dẫn từ Bộ Công thương (BCT) nhiều công ty điện lực địa phương vẫn tiếp tục thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà đầu tư trái quyết định của Thủ tướng, thất thu cho ngân sách nhà nước…

Nghi vấn "buôn người" ở cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang): Viện Kiểm sát hướng dẫn nạn nhân gửi đơn tố giác đến Công an tỉnh Kiên Giang / An Giang: Bắt quả tang 2 đối tượng khai thác cát núi trái phép


>>>Thanh tra toàn diện quy hoạch, đầu tư, xây dựng công trình điện năng lượng tái tạo

>>> Phát triển điện mặt trời: Không thể chậm trễ việc kiểm tra, giám sát

Chẳng hạn trên địa bàn tỉnh An Giang, Điện lực huyện Thoại Sơn thuộc (Công ty Điện lực An Giang), đơn vị này đã tự ý đấu nối dự án điện mặt trời mái nhà cho một nhà đầu tư lên lưới điện quốc gia để đơn vị này bán điện cho Công ty Lương thực Thoại Sơn. Quyết định vượt thẩm quyền này gây mất an toàn cho lưới điện Quốc gia, khiến Nhà nước thất thoát doanh thu vài tỷ đồng mỗi tháng, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của chính đơn vị mình.

Vượt quyền: Đấu nối trước, xin sau

Theo tìm hiểu của PV, năm 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang có một số dự án điện năng lượng mặt trời vẫn tiếp tục được triển khai đầu tư và đấu nối vào lưới điện quốc gia. Điều này là hoàn toàn trái với Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Hệ thống điện mặt trời áp mái của  Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam lắp trên mái nhà của Công ty Lương thực Thoại Sơn.

Hệ thống điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam lắp trên mái nhà của Công ty Lương thực Thoại Sơn.

Tại huyện Thoại Sơn có 3 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 6 MWp. Trong đó, dự án Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam có công suất hơn 4 MWp thuộc tuyến 474TS, xã Vọng Đông; dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình có công suất 1,1MWp thuộc tuyến 471LX2, thị trấn Phú Hòa và dự án Công ty Cổ phần TBS An Giang có công suất 1,1MWp cũng thuộc tuyến 471LX2, thị trấn Phú Hòa. Ngoài ra, Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam còn đầu tư 1 dự án điện mặt trời mái nhà tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang với công suất lên đến 3MWp.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 24/3/2021, Giám đốc điện lực huyện Thoại Sơn, thuộc Công ty Điện lực An Giang thỏa thuận đấu nối cho dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam với 4 hệ thống có công suất lên đến 4 MWp (50% công trình tương đương 2 MWp) thuộc tuyến 474TS, thuộc xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đến ngày 19/4/2021, Giám đốc Điện lực huyện Thoại Sơn đã chính thức cho phép Công ty Sembcrop Solar Việt Nam đấu nối lên lưới điện 2 hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất hơn 2MWp.

Tuy nhiên, sau khi tự ý cho phép công ty Sembcorp đấu nối thì đến ngày 21/9/2021, ông Lâm Thanh Hải mới có tờ trình gửi ông Thái Minh Cương - Giám đốc Công ty Điện lực An Giang về việc đấu nối vào lưới điện cho 3 dự án điện mặt trời mái nhà, trong đó có Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình và Công ty cổ phần TBS An Giang. Tờ trình nêu rõ: “Sau khi thỏa thuận, Công ty Sembcorp Solar Việt Nam đã được đấu nối ngày 19/4/2021 với công suất hơn 2MWp”. Sau đó, Công ty Điện lực An Giang đã có văn bản xin đấu nối gửi Tổng Công ty Điện lực Miền Nam.

Đến ngày 6/10/2021, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam có văn bản trả lời: “Tạm thời ngưng thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sử dụng của các chủ đầu tư” vì chưa có hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Theo Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đến Bộ Công Thương (BCT) đề nghị hướng dẫn cụ thể điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, giải pháp kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sử dụng. “Do đó, trong thời gian chờ đợi hướng dẫn của BCT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty tạm thời ngưng thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sử dụng của các chủ đầu tư”, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam nêu rõ.

Nhập nhằng giữa thương mại và tự sử dụng

Ngày 3/2/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản số 622/EVN-KD gửi Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh và các Tổng công ty khác, hướng dẫn về việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà của khách hàng sau ngày 1/1/2021. Theo văn bản trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các tổng công ty tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự phục vụ nhu cầu của bản thân khách hàng phải thông báo với các Công ty điện lực và Tổng Công ty để được tư vấn lắp đặt công suất phù hợp, tránh gây quá tải lưới điện khu vực, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của BCT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; phối hợp với công ty điện lực trong quá trình quản lý vận hành điện mặt trời mái nhà nhằm đảm bảo không để mất an toàn, gây tai nạn về điện.

Theo báo cáo giải trình số 159 của Giám đốc Điện lực Thoại Sơn thì dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam có mục đích tự sử dụng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu và xác minh của chúng tôi, Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam là một công ty có vốn nước ngoài (Singapore) chuyên thực hiện các dự án điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà thương mại.

Theo ông Trần Anh T, đại điện Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam, nếu khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà thì chỉ cần ký hợp đồng với công ty, tất cả mọi việc khác không phải lo. “Nếu mua điện của chúng tôi, khách hàng sẽ được hưởng giá điện rẻ hơn từ 10-15% so với giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tùy theo nhu cầu sử dụng lượng điện năng của khách hàng, chúng tôi sẽ tính toán đầu tư phù hợp và thời gian thu hồi vốn dài 10-20 năm. Còn nếu khách hàng có diện tích mái nhà lớn, Sembcorp có thể thuê lại với giá 40.000 đồng/m2/năm”, ông Trần Anh T, tự giới thiệu.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam, việc hết thời hạn hiệu lực của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg nên từ sau 31/12/2020, tất cả các dự án điện mặt trời có tính chất thương mại đều không được chấp thuận chủ trương đầu tư và đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia. Vấn đề trên được ông Trần Anh T, khẳng định: “Kiểu gì bên tôi cũng làm được. Đúng là thời điểm này có khó hơn trước đây nhưng vẫn có cách làm. Công ty chúng tôi đã thực hiện 5-6 dự án và đã có 2 dự án đưa vào vận hành ở An Giang, hiện đang thực hiện 1 dự án ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả 2 dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam lắp trên mái nhà của Công ty Lương thực Thoại Sơn (công suất hơn 4MWp) ở xã Vọng Đông và lắp trên mái nhà của Công ty Lương thực Vĩnh Bình (3MWp), xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đều thực hiện theo cách của ông Trần Anh T., giải thích như trên. Tức là kiểu lập lờ giữa việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà với mục đích thương mại nhưng “bùa phép” mục đích tự sử dụng.

Bởi theo ông Trần Anh T, thì mỗi 1MWp điện mặt trời có chi phí đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Với dự án 3MWp tại Công ty Lương thực Vĩnh Bình có kinh phí đầu tư hơn 40 tỷ đồng, còn dự án đầu tư tại Công ty Lương thực Thoại Sơn, Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, thì không thể phát điện cho 2 công ty Lương thực trên sử dụng miễn phí. “Bởi vì từ sau 31/12/2020 thì tất cả các dự án điện năng lượng mặt trời chỉ được đấu nối với mục đích tự sử dụng của khách hàng, chứ không được ghi sản lượng điện phát trên lưới, nghĩa là Tập đoàn Điện lực Việt Nam không mua điện, thì nhà đầu tư nước ngoài này có đi đầu tư như làm “từ thiện” hay không”, nhiều nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời khác đặt vấn đề về tính minh bạch của mục đích đầu tư Sembcorp.

Thất thu ngân sách nhà nước

Có thể nói, kể từ khi 2 dự án trên của Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam được nối lưới điện quốc gia thì Nhà nước thất thoát số tiền từ vài tỷ đồng mỗi tháng, đồng nghĩa với việc Điện lực huyện Thoại Sơn và Châu Thành sụt giảm doanh thu bán điện cho 2 công ty Lương thực trên.

Ngày 1/6/2021, ông Lâm Thanh Hải - Giám đốc Điện lực huyện Thoại Sơn tiếp tục có 2 văn bản gửi đến Công ty Cổ phần TBS An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình là 2 đơn vị có 2 dự án điện mặt trời mái nhà với công suất 1,1MWp/dự án tại thị trấn Phú Hòa.

Trong đó, Điện lực Thoại Sơn tiếp tục đồng ý chủ trương về điểm đấu nối từ điện mặt trời mái nhà của 2 đơn vị trên. Tuy nhiên, việc tự ý đấu nối vượt thẩm quyền của Giám đốc Điện lực Thoại Sơn cho Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam với công suất hơn 2MWp trước đó vẫn chưa được làm rõ, xử lý trách nhiệm?

Trao đổi với PV Doanh nghiệp Việt Nam về việc Công ty Điện lực Thoại Sơn có thông qua Công ty Điện lực An Giang hay vượt quyền tự ý cho đấu nối Dự án điện mặt trời trái Quyết định của Thủ tướng; hướng xử lý cũng như trách nhiệm sẽ thuộc về ai?, ông Lê Ngọc Thụy - Phó Giám đốc Công ty Điện lực An Giang nói: “Tôi cũng vừa mới qua nắm kinh doanh, vừa rồi có đoàn kiểm tra của tổng công ty xuống nên cũng có nghe nói, việc đấu nối bao nhiêu MWp thì tôi không nắm chính xác lắm”.

Riêng về phần đấu nối hay thỏa thuận thì đều thực hiện theo chỉ đạo của Tổng công ty. Hiện cũng đang chờ kết luận phần nào cho phép, phần nào không từ tổng công ty, ông Thụy cho biết.

Liên quan đến vụ việc này, ông Hoàng Quốc Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Tổng Công ty Điện lực miền Nam xác nhận: Những phản ánh về điện mặt trời ở Thoại Sơn có nằm trong nội dung mà đoàn công tác của Tổng công ty đang rà soát, xác minh nhưng chưa có kết luận cuối cùng. “Sau khi có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm