Tin tức - Sự kiện

Bàn về đề án đổi mới sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cứ đưa thế này ra Quốc hội là không được!

“Đề án phải lấy ý kiến chuyên gia, thậm chí lấy ý kiến nhân dân chứ không thể ta ngồi ở ta để viết sách của ta, không thể một đề án gần 2 tỉ USD, tác động đến cả hệ thống giáo dục lại cứ liên tục đổi mới mà không biết cái cũ sai gì, cái mới đúng ở đâu...” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nói rất gay gắt tại phiên họp ngày 14.4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) bàn về đề án đổi mới sách giáo khoa (SGK).

Nhiều năm qua dư luận đã liên tục phản ứng về tình trạng in ấn thay mới sách giáo khoa gây lãng phí. Ảnh: Giang Huy

Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận: Cứ đưa thế này ra trước QH là không được!

1,7 tỉ USD cho đổi mới SGK
 
Đó là số tiền dành cho việc đổi mới SGK được nêu ra tại phiên thảo luận của Ủy ban TVQH về Nghị quyết " Đổi mới chương trình, SGK phổ thông"(34.725 tỉ đồng, chưa kể khoản đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết). Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình SGK mới sẽ “Không nặng về truyền tải kiến thức kỹ năng mà yêu cầu HS vận dụng để áp dụng kiến thức đã học”.
 
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của QH Phan Xuân Dũng đã tính số tiền đó tương đương 1,7 tỉ USD, “ngoài những gì đang chi hiện nay là 20% ngân sách cho ngành giáo dục”. Theo ông Dũng, số tiền này là nhiều nếu toàn bộ từ ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng không nhiều nếu có thể xã hội hóa (XHH)”.
 
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hỏi ngay: “Tôi lo nhất tính khả thi của đề án. Sự đáp ứng của đội ngũ GV ra sao. Hơn nữa, vấn đề cơ sở vật chất (CSVC) để triển khai liệu có khả thi không, hay đến lúc đó lại nêu nhược điểm là do đội ngũ GV chưa đáp ứng được?".
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời : “Bộ hình dung có tính khả thi, nhưng muốn khả thi thì cần thời gian đào tạo đội ngũ GV cũng như CSVC được đảm bảo từ Nhà nước. Như thế mới khả thi được. Chương trình mới sẽ đặt ra một số tiêu chí về CSVC và mới một số trường chưa đảm bảo, sẽ yêu cầu Nhà nước đầu tư dứt điểm trong 1-2 năm.
 
Quan tâm đến "tuổi thọ" của chương trình đổi mới, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đặt câu hỏi: Bộ GDĐT đã đánh giá tác động chưa và bộ sách mới bắt đầu từ 2015 sẽ được sử dụng sau bao nhiêu năm? Thứ trưởng Hiển giải thích, chương trình đổi mới lần này theo xu hướng chung của thế giới, nơi mà “người ta thường xuyên có điều chỉnh nhỏ hằng năm”. Thực tế trên thế giới, có nước kéo dài 5-7 năm, có nước 10 năm, có nước vừa ban hành xong thì thay đổi do sự thay đổi về chính trị. Riêng đối với chương trình đổi mới SGK lần này, đến lúc nào cần thiết thì thay đổi. Nhưng có lẽ sẽ được sử dụng tới năm 2030. Bàn về SGK, tôi chỉ thấy hoang mang”.
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước kể: “Tôi theo Thủ tướng sang Cuba. Ở đó, ai cũng biết Hồ Chí Minh và ai cũng hát về Hồ Chí Minh. Còn con cháu chúng ta 30 tuổi không biết ông Fidel là ai. Tôi bảo, thôi thế này là chết rồi. Đây là sản phẩm giáo dục của chúng ta. Ông Phước hỏi : "Cái mới là cái gì. Đột phá là cái gì? Sau mười mấy năm tranh luận, bàn bạc về SGK, tôi chỉ thấy hoang mang”.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nói rất gay gắt: “14-15 năm bàn dạy chữ, dạy người, giờ cũng bàn dạy chữ, dạy người. Vậy có gì mới?” và ông tự trả lời: “Hoàn toàn không thấy”, khi “con em chúng ta cứ loay hoay hàng chục năm nay. Cứ đổi mới, đổi mới. Rồi đưa vào Luật Giáo dục, rồi lại sửa đổi”.
 
Theo ông Lý, để tương xứng với gần 2 tỉ USD không phải chuyện nhỏ, ông yêu cầu đề án phải lấy ý kiến chuyên gia, thậm chí lấy ý kiến nhân dân, chứ không thể “gần như ta ngồi ở ta để viết sách của ta”, không thể một đề án gần 2 tỉ USD, tác động đến cả hệ thống giáo dục lại cứ liên tục đổi mới mà không biết cái cũ sai gì, cái mới đúng ở đâu.
 
Ngay chính Chủ tịch QH cũng đặt ra hàng loạt các câu hỏi: “Ai tổ chức thực hiện? Điều kiện nào để đảm bảo thực hiện? Chúng ta đã đổi mới, bổ sung sửa đổi suốt 10 năm thì phải thấy được cái gì hay, cái gì dở”. Ông thẳng thắn: “Người ta cảm thấy (dự thảo) NQ chỉ ban hành mà chưa có nội dung, vì chỉ sao chép lại NQ của Đảng” do “cứ lẫn lộn thực hiện thế nào và đổi mới thế nào”.
 

Dự thảo "Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015" được Bộ GDĐT trình Chính phủ vào cuối tháng 2.2014. Đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 2014-2015 sẽ hoàn thành cơ sở khoa học cũng như chuẩn bị các nguồn lực xây dựng, biên soạn và thẩm định chương trình và SGK. Giai đoạn 2016-2022, đề án đặt nhiệm vụ hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chương trình, SGK mới và tiếp tục biên soạn SGK thử nghiệm các môn học 9 lớp còn lại. Để khởi động cho giai đoạn đầu tiên của đề án, Bộ GDĐT sẽ bắt đầu với việc biên soạn thử nghiệm SGK các lớp 1, 6, 10; đồng thời xây dựng chương trình môn học (thử nghiệm), hoàn thành việc biên soạn, thẩm định và ban hành tài liệu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về thử nghiệm chương trình, SGK và mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ thử nghiệm ba lớp đầu các cấp. Bộ GDĐT đặc biệt nhấn mạnh những thay đổi cơ bản đối với chương trình SGK mới là bên cạnh yêu cầu về phát triển trí tuệ, thể chất, còn nhấn mạnh việc hình thành phẩm chất, năng lực công dân cho học sinh.


Ở giai đoạn 2016-2022, đề án đặt nhiệm vụ hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chương trình, SGK mới và tiếp tục biên soạn SGK thử nghiệm các môn học 9 lớp còn lại; hoàn thành việc thử nghiệm và đánh giá chương trình, SGK; tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và thực hiện chương trình, SGK mới phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường...

 

 

Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo