Tin tức - Sự kiện

Cán bộ Công ty môi trường đô thị đòi đập máy ảnh phóng viên

Tại buổi làm việc của lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Đà Nẵng với các phóng viên về đơn kêu cứu của công nhân, ông Nguyễn Đức Thành, Phó phòng Kinh doanh kiêm Thường trực Văn phòng Đảng ủy Công ty đã phải đứng lên xin lỗi các phóng viên về hành vi này.
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó phòng Kinh doanh kiêm Thường trực Văn phòng Đảng ủy Công ty MTĐT Đà Nẵng xin lỗi các PV tại buổi làm việc chiều 29/11 (Ảnh: HC)
 
“Chụp hình thì mình… đập máy ảnh!”
 
Như tin đã đưa, chiều 28/11, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty MTĐT Đà Nẵng) đã làm việc với một số phóng viên (PV) nhằm giải thích các vấn đề liên quan đến đơn kêu cứu của công nhân công ty này. Cuộc làm việc vừa bắt đầu, ông Lê Đỡ, Phó Tổng giám đốc Công ty đã giới thiêu ông Nguyễn Đức Thành đứng lên… xin lỗi các PV.
 
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó phòng Kinh doanh kiêm Thường trực Văn phòng Đảng ủy Công ty MTĐT Đà Nẵng xin lỗi các PV tại buổi làm việc chiều 29/11 (Ảnh: HC)
Trước đó, sáng 27/11, các PV đang ngồi nói chuyện với một số công nhân Công ty MTĐT Đà Nẵng tại một quán cafe trên đường Bế Văn Đàn sau khi số công nhân này đã xong ca làm việc thì có mấy người đàn ông đi vào. 
 
Một người (sau này các PV xác định là ông Nguyễn Đức Thành) chỉ trỏ, quát mắng: “Các anh là PV báo nào mà hỏi công nhân, muốn hỏi gì phải có ý kiến lãnh đạo” (!?) Thấy có PV chụp ảnh, ông Thành lớn tiếng hăm dọa, đòi đập máy ảnh. Do tình hình căng thẳng, các PV phải gọi điện nhờ Cảnh sát 113 can thiệp. Phải đến khi thấy công an xuất hiện, ông Thành mới chịu bỏ đi.
 
Tại buổi làm việc chiều 28/11, ông Nguyễn Đức Thành nói: “Hôm qua do đi kiểm tra thấy như thế, bức xúc thì có nói với chỗ anh Đông (PV Nguyễn Đông, báo VnExpress), anh Huy (PV Quang Huy, báo Đời sống và Pháp luật) cũng không hay. Hôm nay trước lãnh đạo Công ty cũng như các anh chị ở các báo thì cũng thành thật xin lỗi lời nói không được hay. Mong là anh Đông, anh Huy cũng như các anh em báo chí thông cảm bỏ qua!”.
 
Các PV hỏi: “Anh xin lỗi vế vấn đề gì?”. Ông Thành trả lời: “Mình đi kiểm tra ngoài giờ thấy công nhân tụ tập, trách nhiệm công việc cũng như do một số cán bộ dưới địa bàn phản ánh, có ghé vào kiểm tra, hỏi công nhân thì thấy vấn đề mà… không biết chỗ anh Đông cũng như Huy là nhà báo. Do không biết nên có lời nói như thế. "Chụp hình thì mình không cho, nếu chụp thì mình đập máy ảnh đó" - Mình nói như thế, đúng là cũng bức xúc, không hay, không tốt!”.
 
Các PV được xin lỗi nói rõ là ông Thành không thực sự thành thật. Bởi tại quán café, họ đã đưa giấy tờ ra khi ông yêu cầu chứ không phải ông “không biết anh Đông, anh Huy là PV, nhà báo”. Ngoài ra, lúc đó ông nói đang đi làm thì ông Phạm Minh Thắng (Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty) gọi điện bảo có một số công nhân đang tập trung ở đó và bảo ông chạy tới xem sao (các PV vẫn còn băng ghi âm), chứ không phải “trong lúc đi kiểm tra ngoài giờ thấy công nhân tụ tập nên bức xúc” như lời ông Thành nói khi xin lỗi.
 
Công nhân không được mặc đồng phục vào quán café?
 
Tuy nhiên đó không phải là điều quan trọng nhất khiến các PV từ chối lời xin lỗi của ông Nguyễn Đức Thành, mà chính là thái độ của lãnh đạo Công ty MTĐT Đà Nẵng đối với công nhân của mình, thể hiện trong văn bản “Nội dung trả lời ý kiến PV các báo” do Công ty này cung cấp cho các PV tham dự buổi làm việc chiều 28/11 cũng như qua trả lời trực tiếp của lãnh đạo Công ty tại buổi làm việc.
 
Lãnh đạo Công ty MTĐT Đà Nẵng cho rằng “chỉ quản lý trong thời gian ca làm việc, không quản lý ngoài giờ làm việc”. Vậy tại sao khi các công nhân đã xong ca, ngồi uống nước, nói chuyện thì người của Công ty tới la mắng, quát tháo khiến các công nhân này phải phản ứng lại? 
 
Công ty MTĐT Đà Nẵng viện lý do: “Người lao động đã xuống ca, hết giờ làm việc mà vẫn mặc đồng phục của Công ty ngồi chơi sẽ làm ảnh hưởng nhiều người khác đang phục vụ công việc. Hơn nữa lúc xảy ra sự việc vào đầu giờ buổi sáng, 3 – 4 công nhân mặc đồng phục ngồi lại uống cafe, việc này không chấp nhận được”!
 
Như đã nêu ở bài trước, tại buổi làm việc chiều 28/11, các PV đã đề nghị Công ty MTĐT cung cấp quy chế, quy định làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm nhưng chưa được đáp ứng. Do vậy, hàng loạt câu hỏi đã được các PV đặt ra với ông Lê Đỡ và cán bộ lãnh đạo các phòng chức năng của Công ty liên quan đến vấn đề này: Chẳng lẽ các công nhân sau một đêm làm việc cực nhọc không được ngồi uống ly nước trước khi về nhà nghỉ ngơi mà phải… về nhà cởi đồng phục ra rồi mới được uống nước?
 
Ông Lê Đỡ, Phó Tổng giám đốc Công ty vẫn nhắc lại: “Vấn đề là họ mặc đồng phục”. Buộc lòng PV Infonet phải nói thẳng với ông và các cán bộ khác của Công ty MTĐT Đà Nẵng: “Tôi chắc là các anh chị trong giờ làm việc cũng có lúc chạy ra ngoài ăn bún, uống nước nhưng vì các anh chị không phải là người lao động trực tiếp nên không mặc đồng phục, còn các công nhân vì họ không làm việc gián tiếp như các anh chị nên phải mặc đồng phục. Vậy khi các anh chị vào quán café thì sao mà các công nhân vào quán, kể cả khi đã xong ca làm việc, lại bảo “không chấp nhận được” vì họ mặc đồng phục? Đến cả các ngành công an, quân đội cũng không quy định ngặt nghèo như thế kia mà!”.
 
Công nhân lương 3,7 triệu/tháng, Tổng giám đốc lương 20,7 triệu đồng/tháng
 
Ông Lê Đỡ cũng như các cán bộ khác của Công ty MTĐT Đà Nẵng hoàn toàn im lặng trước những chất vấn của các PV. Qua đó có thể hiểu vì sao công nhân kinh hãi tình trạng “gia đình trị” ở Công ty này tới mức phải gửi đơn kêu cứu: “Sau khi thay đổi, Ban giám đốc mới đã đẩy cuộc sống của người lao động vào cảnh khốn cùng, phải sống với đồng lương ít ỏi trong khi sức lao động bỏ ra quá nhiều. Đã bao lần chúng tôi kêu cứu TP Đà Nẵng vào cuộc để đem lại công bằng cho công nhân mà không có kết quả gì, để lại cho hàng ngàn công nhân nỗi thất vọng và mất lòng tin vì sợ hãi bị vùi dập”!
 
Công ty MTĐT Đà Nẵng cho hay, người lao động trực tiếp trong công ty được trả lương khoán theo khối lượng công việc. Theo đó, trong một công lao động, mức sàn mà mỗi công nhân phải quét dọn là 6.377m2 đường phố.
 
Hoàn thành mức khoán này, một công lao động được trả 120.000 đồng và 23.000 đồng ăn ca, độc hại. Như vậy nếu làm đủ 26 công/tháng thì tiền lương của công nhân Công ty MTĐT Đà Nẵng là 3,7 triệu đồng/tháng (tương đương 44,4 triệu đồng/năm), nếu nghỉ làm ngày nào thì mất tiền ngày đó.
 
Trong khi đó, mức lương của Tổng Giám đốc Phạm Minh Thắng là 249 triệu đồng/năm, tương đương 20,7 triệu đồng/tháng; 3 Phó Tổng giám đốc mỗi người 214 triệu đồng/năm, Trưởng Ban kiểm soát 204 triệu đồng/năm, Kế toán trưởng 192 triệu đồng/năm. Mức lương này thực nhận hàng tháng là 70%, phần còn lại được nhận tùy theo kết quả sản xuất kinh doanh cuối năm.
 
Đáng chú ý, theo phản ảnh của các công nhân: “Trong khi người lao động phải giật gấu vá vai với đồng lương khiêm tốn thì lãnh đạo Công ty tổ chức đi du lịch Ai Cập, châu Âu và các nước khác”. Sau khi các PV nêu lại phản ánh này tại buổi làm việc chiều 28/11, ông Lê Đỡ trả lời: “Đi du lịch nước ngoài hầu hết là Tổng Giám đốc đi dựa trên cơ sở là người ta mời, kinh phí có đối tác lo, hầu như ít khi phải chi tiền của công ty về kinh phí gọi là tham quan nước ngoài. Một năm 1 - 2 chuyến, có khi có, có khi không, tùy theo”.
 
Câu hỏi đặt ra là nếu không có những công nhân mỗi ngày phải quần quật quét dọn hơn 6.300m2 đường phố cho Đà Nẵng trở thành một TP xanh – sạch – đẹp thì lấy gì để Tổng Giám đốc Phạm Minh Thắng được các đối tác mời đi nơi này, nơi khác. Và liệu việc các đối tác nước ngoài mời ông Thắng đi du lịch như vậy có phải hoàn toàn bằng tiền túi của họ, hoàn toàn bất vụ lợi hay không?
 
Câu trả lời xin được dành cho các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo