Thị trường

Chủ vườn hoa tết ngập nỗi lo thua lỗ

(DNVN) - Thời tiết cực đoan, lũ lụt, mưa nắng thất thường, cộng với năm 2017 nhuận dài thêm 1 tháng khiến hoa nở sớm là nguyên nhân dẫn đến các nhà vườn trồng hoa phục vụ tết đứng trước nguy cơ thất thu.

Người dân chụp giấy báo để bảo vệ những nụ hồng khỏi dịch bệnh, sương muối.

Làng hoa Tây tựu - Chưa biết thắng thua thế nào 

Những ngày này, người dân ở làng hoa Tây Tựu, Nhật Tân, Liên Mạc và Mê Linh (Hà Nội) đang tất bật chăm sóc để chuẩn bị mùa thu hoạch hoa Tết 2018, các chủ vườn đã ra sức quảng bá để bán hàng. Năm nay, ngoài dáng cây truyền thống, nhiều loại quất, đào cảnh được tạo dáng lạ với giá vài chục triệu đồng/cây.

Nhiều cây có kích thước lớn và kỹ thuật uốn cầu kỳ nên giá mỗi cây lên tới 40 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi chỉ uốn 8 cây, chia làm 4 cặp lộc bình và đã được khách quen đặt mua, ông Thắng - chủ vườn nói.

Do thời tiết nắng nóng vào mùa hè nên vườn đào làng hoa Nhật Tân bị chết nhiều, gây thiệt hại lớn cho  người làm vườn. Anh Nguyễn Anh Thanh (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Vài tháng trở lại đây nhiệt độ vừa phải, đào phát triển tốt. Giá bán đào cũng sẽ tăng hơn năm ngoái từ 400 - 600 nghìn đồng/gốc. Theo kinh nghiệm của anh Thanh, nếu thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán nhiệt độ duy trì từ 20-25 độ C thì đào sẽ nở đẹp. Năm ngoái một gốc đào có giá trung bình 2-3 triệu đồng, với gốc đào đẹp giá 4-6 triệu đồng. Năm nay, giá bán và cho thuê đào có thể tăng hơn do nguồn cung ít hơn sau đợt đào chết từ đầu năm. Với đào cành, giá sẽ tăng từ 50-100 nghìn đồng/cành”, từ nay đến Tết nguyên Đán nếu thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất thu hoạch hoa,  anh Thanh nói.

Hiện nay, nghề trồng hoa nơi đây đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh diện tích đất canh tác sụt giảm qua từng năm, người trồng hoa Tây Tựu còn thường xuyên đối mặt với nỗi lo thời tiết.  Nhiều bà con cho biết, vụ hoa Tết năm nay cũng chưa biết "thắng, thua" thế nào vì thời tiết diễn biến phức tạp.

 

Quảng Nam: “Hoa Tết chỉ mong hoàn đủ vốn”

Tại "Thủ phủ" hoa tết Quảng Ngãi và Quảng Nam tiêu điều sau lũ dữ. Sau hai trận lũ lớn liên tiếp xảy ra trong đêm khiến hàng ngàn chậu hoa cúc, hoa vạn thọ… bị hư, gây thiệt hại nặng nề. Mặc dù đã khắc phục sau mưa lũ, hiện người trồng hoa phải đối mặt hiện tượng thời tiết cực đoan, rét kéo dài, mưa, nắng thất thường, khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm, đứng ngồi không yên.

Vựa hoa An Trung, xã Duy Trung, (Duy Xuyên - Quảng An) có khoảng 10 hộ chuyên canh hoa Tết, với đủ chủng loại: cúc đại đóa, cúc pha lê, mắt nai, đồng tiền, mai địa thảo, mai dạ thảo, vạn thọ… Nhưng những ngày cuối đông này, dạo quanh các vườn hoa ở đây và một số vùng lân cận, không khí ảm đạm hơn so năm trước, do thời tiết thất thường, mưa nhiều, rét kéo dài, khiến hoa kém xanh tươi.

 Bình Định: người trồng mai thấp thỏm chờ…Tết

 Năm nay, thời tiết diễn biến khá bất thường làm cho cho người trồng mai ở đây thấp thỏm lo âu... Thời điểm này, hàng ngàn chậu mai xuân đã được người dân trồng mai ở Nhơn An mang ra bày bán. Theo người trồng mai Nhơn An, ngoài kỹ thuật chăm sóc đến chọn giống mai đẹp thì yếu tố thời tiết mới quyết định thành hay bại của người trồng mai Tết. Mai Tết thắng lợi là hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ông Bùi Thành Long (66 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An) - người có thâm niên trên 30 năm trồng mai, chia sẻ: “Yếu tố thời tiết mới quyết định thành công của người trồng mai Tết. Do năm nay nhuận, thời gian dài thêm 1 tháng nên mai bị vàng và rụng lá nhưng đó là do lá già, chứ không ảnh hưởng đến việc mai nở sớm hay muộn. Lo lắng của người trồng mai năm nay là thời khá tiết khắc nghiệt, trời rét lạnh kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến việc tạo búp, ra hoa của cây mai Tết”.

 

Theo anh Phan Văn Vinh, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An, đã hơn 1 tuần nay, anh thuê nhân công vận chuyển 200 chậu mai từ vườn đến bãi bán mai tập trung ven đường tỉnh lộ, rồi dựng lều thâu đêm để bán mai Tết. “Gần 1 tuần nay thời tiết bỗng chuyển lạnh đột ngột không có một chút ánh nắng nên hộ trồng mai nào cũng thấp thỏm lo lắng. Chỉ mong thời tiết thuận lợi, hoa mai bung nở đúng Tết thì người dân mới bán được nhiều, có tiền lo sắm sửa Tết”, anh Vinh chia sẻ.

Vườn lan nở rộ trước tết nguyên đán.

Đà Lạt: vườn lan nở sớm, nhà vườn thất thu

Hiện nay, những vườn địa lan, hồ điệp các loại hoa cao cấp tại TP. Đà Lạt đã nở rộ trong khi còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018. Điều này đã khiến nhiều nhà vườn trồng hoa cao cấp ở thành phố này lâm vào cảnh thất thu, hoặc phải chấp nhận cắt bán hoa cành với giá chỉ bằng một phần mười

Được biết, các trang trại trồng địa lan, lan hồ điệp, lan vũ nữ… ở Đà Lạt và các huyện lân cận đều cho biết, tỉ lệ hoa nở rộ chiếm tới 70%. Hoa nở sớm, đã khiến chủ các trang trại địa lan phải cắt, bán với giá hoa cành. Trung bình, mỗi cành hoa địa lan vào thời điểm này có giá khoảng 40.000-70.000 đồng/cành, chỉ bằng 1/10 so với giá bán hoa chậu phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, trước thực trạng hoa lan các loại nở rộ, không thể kiểm soát được, buộc nhà vườn phải cắt cành để bán, mong vớt vát lại phần nào công sức đã đầu tư, chăm sóc suốt một năm qua. 

Nguyên nhân khiến địa lan, tại các trang trại hoa ở Đà Lạt nở sớm trước cả tháng, là do năm 2017 nhuận hai tháng 6 (Âm lịch) nên Tết cổ truyền đến trễ một tháng. Chủ nhiều vườn lan có kinh nghiệm cho biết, từ hồi giữa năm, họ đã tìm cách làm chậm sự phát triển của hoa như: dùng lưới đen che tối vườn, hạn chế chất dinh dưỡng… Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết Đà Lạt lại khá thuận lợi cho các loại hoa phát triển. Buổi tối trời lạnh nhưng ban ngày lại nắng ấm, số giờ nắng trong ngày cao, đã kích thích các loại lan bung hoa, nở sớm. 

 

Do nguồn hàng không dồi dào như năm trước, nên trong dịp Tết cổ truyền sắp tới, các loại địa lan, lan hồ điệp được một số nhà vườn dự báo giá sẽ nhỉnh hơn năm trước. Hiện địa lan vàng new zealand nở vào dịp Tết đang được chủ vườn bán với giá 800.000 đồng/cành; địa lan SJC, vàng chanh và xanh 207 có giá 600.000 đồng/cành; địa lan cam lửa khoảng 300.000- 400.000 đồng/cành...

 Đà Nẵng: Làng hoa “nín thở” ngóng thời tiết

Mưa nhiều, cùng thời tiết lạnh kéo dài khiến bà con trồng hoa ở làng hoa Hòa Cường, quận Hải Châu (Đà Nẵng), thấp thỏm lo vụ hoa Tết khi xuân Mậu Tuất 2018  đang gần kề                                                   

Bà Trần Thị Thu Thủy, làng hoa Hòa Cường có khoảng 1.500 cây đã được đưa vào chậu, chuẩn bị cung ứng thị trường Tết.  Song bà đã phải thuê nhân công “cấp tốc” chăm sóc hoa, ngắt bớt nụ dự kiến nở sớm trước Tết Nguyên đán,  với tiền  công  150 nghìn đồng/người/ngày. Không riêng bà, nhiều vườn hoa ở Hòa Cường, cũng đang được bà con tỉa bớt nụ nở sớm, để kịp đón Tết Mậu Tuất 2018, với giá ngày công khá cao.

Những ngày này, người dân trồng hoa đang hối hả “chạy đua” cùng thời gian, với mong muốn đưa hoa nở đúng dịp, kịp thời phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài, lại là năm nhuận, nên nhiều luống hoa vạn thọ đã trổ sớm trước Tết nhiều ngày, khiến người trồng hoa thấp thỏm, không yên.

 

Làng hoa vùng Tây Nam bộ: Mất mùa hoa tết

Triều cường, mưa nắng thất thường… đã khiến cho nhiều làng trồng hoa Tết ở miền Tây Nam bộ, nhất là các tỉnh duyên hải thất thu nặng vì hoa bị hư hại hoặc “lỡ hẹn” với Tết. Ở thời điểm hiện tại, các loài hoa ở những làng hoa này vẫn còn đang rất lác đác.

Bà Hồ Thị Phi, ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức) chia sẻ: Phần lớn không kịp nở vào dịp Tết. Vụ hoa Tết năm nay, bà chuẩn bị khoảng gần 2.000 chậu hoa các loại, vốn đầu tư trên 10 triệu đồng, trong đó có khoảng 150 chậu hoa cúc mâm xôi, cúc Tiger. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và mưa liên tục nhiều ngày nên cây hoa bị bệnh thối rễ, hoa không ra nụ.

“Chưa có năm nào như năm nay, thời tiết thất thường không lường trước được” - ông Đặng Văn Tuấn (ấp Vĩnh Yên) than thở. Gia đình ông trồng 3.000 chậu hoa cúc mâm xôi, đến nay đã có khoảng 50% nở chậm không kịp Tết. Hơn nữa, số cúc đã nở thì cũng không được đẹp như mọi năm nên thương lái mua phải lựa chọn và chỉ bán được khoảng 70% số cúc còn lại. “Vụ hoa Tết năm nay, không chỉ bị thua lỗ mà còn phải thất thu khoảng 20 - 25 triệu đồng” - ông Tuấn nói.

Cũng do thời tiết mưa nắng thất thường nên hơn 50% trong số 2.000 chậu cúc mâm xôi của gia đình ông Võ Hòa Thủy (Vĩnh Yên) nở chậm. “Mặc dù gia đình tập trung để chăm sóc nhưng đến thời điểm này số hoa vẫn không phát triển được bao nhiêu, coi như vụ Tết năm nay gia đình tôi thất thu nặng” - ông Thủy nói. Tương tự bà Nguyễn Thị Trì, người cùng ấp cũng bị thua lỗ nặng. Gia đình bà trồng được 2.000 chậu hoa cúc mâm xôi nhưng do ảnh hưởng mưa nhiều, triều cường làm ngập gây thiệt hại hơn 70%, chỉ còn lại khoảng 500 chậu nhưng bị chậm ra hoa nên bị thua lỗ trên 20 triệu đồng.

 

Nên đọc
Minh Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo