Chuyển đổi số

Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đã đào tạo trực tiếp hơn 6.500 doanh nghiệp

DNVN - Phát biểu tại buổi tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa diễn ra tại Khánh Hòa, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đã đào tạo trực tiếp hơn 6.500 doanh nghiệp.

Chuyển đổi số doanh nghiệp: Không phải cứ "đập đi xây mới" là thành công / Cần Thơ triển khai bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số trong điều hành chính quyền

Tập huấn “Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa” diễn ra ngày 10/10 đã thu hút 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia. Đây cũng là một trong những hoạt động cụ thể trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tham gia tập huấn hầu hết là những doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành du lịch, dịch vụ và ngành nông nghiệp.

Các doanh nghiệp tham dự cho biết dù đã có nhận thức về vai trò cần thiết, những lợi ích mà CĐS có thể đem lại, nhưng việc áp dụng, triển khai trong thực tế thì còn nhiều khó khăn, chưa biết phải chuẩn bị những gì và bắt đầu tư đâu. Chính vì vậy, các buổi đào tạo tấp huấn, hướng dẫn như này là rất cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tập huấn “Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa".

Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo về việc khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa các cơ hội, lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, CĐS nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đến nay có một tỷ trọng không nhỏ các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động bán hàng, quản lý khách hàng, kênh phân phối hay các nghiệp vụ quản trị.

“Các doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải CĐS, kết quả mà CĐS mang lại và bước đầu thực hiện CĐS tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung”, bà Hương khẳng định.

Cũng theo bà Hương, trong tháng 10/2022, hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia (10/10), Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 đã tăng cường thêm nhiều hoạt động. Trong đó, phối hợp với các địa phương như Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (LinkSME) để tổ chức đào tạo, hướng dẫn triển khai và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh.

Tính đến nay, chương trình đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức trực tiếp cho hơn 6.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố và hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận trực tuyến khác.

Chương trình đã cử các đoàn chuyên gia trong mạng lưới đến các doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên toàn quốc để hỗ trợ trực tiếp từ tháng 9/2022 trong khuôn khổ Gói hỗ trợ xây dựng Lộ trình CĐS cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đã có các phản hồi tích cực và quan trọng hơn, các doanh nghiệp đã tin tưởng vào sự đồng hành của Đảng, Chính phủ trong công cuộc hỗ trợ thúc đẩy CĐS của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại buổi tập huấn, chuyên gia của chương trình cũng đã giới thiệu tổng quan về CĐS và ảnh hưởng của CĐS đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; các giai đoạn CĐS cho doanh nghiệp từ CĐS trong kinh doanh, quản trị đến CĐS một cách toàn diện.

Đồng thời chia sẻ các xu hướng công nghệ của CĐS; hướng dẫn các doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS và chia sẻ lộ trình, các ví dụ thực tiễn về CĐS trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Chia sẻ về cơ hội thúc đẩy tiêu thụ nông sản, chuyên gia của Công ty TNHH Grab cho biết, doanh nghiệp và người nông dân cần áp dụng CĐS để việc trồng trọt và kinh doanh song hành với quá trình liên kết tiêu thụ nông sản, tránh việc “được mùa, mất giá”.

“Grab mong muốn thông qua nền tảng công nghệ và mạng lưới đối tác rộng lớn của mình có thể kết nối các địa phương trong tiêu thụ trái cây, nông sản và các sản vật địa phương để tìm được đầu ra cho nông sản một cách hiệu quả hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đáp ứng một cách đầy đủ và an toàn”, chuyên gia của Grab bày tỏ.

Chuyên gia đến từ Công ty Cổ phần Công nghệ du lịch Gotadi cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm CĐS trong ngành du lịch, dịch vụ và nhấn mạnh rằng ngành du lịch cần phải đón đầu công nghệ để phát triển trong thời gian tới.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm