Chuyển đổi số

Hà Tĩnh ứng dụng chuyển đổi số, đưa đặc sản cam Bù, cam Chanh lên sàn thương mại điện tử hiệu quả

DNVN - Mùa cam sai quả ở Hà Tĩnh đang cận ngày thu hoạch chính vụ, với sản lượng năm nay ước đạt trên 63.000 tấn. Đây là năm năng suất và sản lượng, chất lượng đạt cao. Để giúp doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ sản phẩm, Hà Tĩnh đã khẩn trương bắt tay ứng dụng chuyển đổi số, đưa đặc sản cam Bù, cam Chanh lên sàn thương mại điện tử.

Công an Hà Tĩnh tiếp tục cảnh báo về ứng dụng hoàn tiền đa cấp Myaladdinz / Chuyển đổi số nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh

Vùng quê ngọt lịm những mùa cam

Nếu đã ghé thăm mảnh đất Hà Tĩnh, bạn sẽ khó quên được cái “nóng cháy da, rét cắt thịt” mà người dân Hà Tĩnh phải luôn đối mặt. Trong cái nắng, cái gió khắc nghiệt đó, con người Hà Tĩnh vẫn luôn cần cù lao động, sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, đem đến cho người dùng cảm giác khó quên. Một trong số đó là sản phẩm cam Bù và cam Chanh. Gắn liền với sản phẩm cam, Hà Tĩnh đã nức tiếng với các thương hiệu: cam Bù Hương Sơn, cam Vũ Quang, cam Khe Mây và cả cam giòn Thượng Lộc,... Vị ngọt thanh, thơm mát, giòn tan của những tép cam được chắt chiu từ dinh dưỡng của miền đất sỏi đá, đầy nắng gió trên dãi đất miền Trung khó bị pha lẫn với sản phẩm cam nơi khác.

Ông Lê Quốc Thanh

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (trái) thăm vườn cam ở Hà Tĩnh.

Từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau là vụ thu hoạch cam Bù, cam Chanh của tỉnh Hà Tĩnh. Cam được Hà Tĩnh xác định là đối tượng kinh tế chủ lực của tỉnh, được phát triển tại các vùng đồi núi của các huyện: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà. Nhiều năm qua chính quyền và nhân dân đã đồng sức, đồng lòng mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng, áp dụng các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, từng bước tổ chức sản xuất, kinh doanh để phát triển nghề trồng cam theo hướng bền vững, góp phần xây dựng các vùng quê giàu đẹp hơn, đáng sống hơn. Mỗi năm đi qua là một thành công ở lại, cam Hà Tĩnh quả càng sai, hoa tỏa ngát một vùng. Chất lượng được khẳng định, thị trường càng ngày càng mở rộng, thương hiệu giữ vững, khách hàng tin dùng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho biết: “Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có trên 7.300 ha cam, diện tích cho thu hoạch ước 5.000 ha, sản lượng ước đạt 63.377 tấn. Kết quả cho thấy, đây là năm cam Hà Tĩnh đạt năng suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Được mùa người dân vui mừng khôn xiết, thế nhưng trong ánh mắt người trồng cam niềm vui chưa trọn khi vẫn còn đó nỗi lo điệp khúc “được mùa mất giá”, bão lũ liên tiếp và đặc biệt hơn khi đại dịch COVID-19 làm sức mua giảm, phương thức tiêu thụ truyền thống qua các hệ thống chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh, các chợ đầu mối, các doanh nghiệp thu mua, các chuỗi cửa hàng nông sản, các khách hàng lẻ… bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như năm ngoái, tầm này các thương lái đã “chọn vườn, đặt cọc” thì năm nay các địa phương và bà con vẫn mong ngóng từng ngày”.

Cam -sản phẩm chủ lực ở Hương Sơn

Cam - sản phẩm chủ lực ở Hương Sơn

Ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Thấu hiểu nổi lo lắng của người dân, trên đà thắng lợi của công tác chuyển đổi số và đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở NN & PTNT, các Sở, ngành và UBND các địa phương quyết tâm, dồn sức ứng dụng môi trường số để đưa sản phẩm cam Chanh, cam Bù Hà Tĩnh lên các sàn thương mại điện tử, nhằm mở rộng thêm kênh tiêu thụ mới ngoài kênh truyền thống vốn có, giải bài toán khó về tiêu thụ cho bà con tại thời điểm này. Đây cũng là bước để bà con chuyển mình làm quen và phát triển cùng công nghệ số của thời đại 4.0”.

Công nghệ số tạo đà tiêu thụ đặc sản cam Hà Tĩnh

 

Tiếp đà thắng lợi việc thực hiện chuyển đổi số và đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thành công, Sở NN& PTNT Hà Tĩnh giao cho Trung tâm Khuyến nông phối hợp cùng với phòng Nông nghiệp các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà rà soát, thực hiện chuyển đổi số cho các tổ chức, cá nhân sản xuất cam Chanh, cam Bù đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, các đơn vị kinh doanh cam và một số đơn vị sản xuất, phân phối giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất cam tiêu biểu trên địa bàn.

Bắt đầu từ tháng 8/2021 dương lịch đến nay, cán bộ Trung tâm Khuyến nông phối hợp cùng Công ty Cổ phần iCheck tiến hành hỗ trợ từng người dân khai báo thông tin, cung cấp hình ảnh cần thiết để thiết lập và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Camhatinh.gov.vn và App Cam Hà Tĩnh. Cán bộ Khuyến nông nhiệt tình, trách nhiệm; bà con tin tưởng, phấn khởi, tự nguyện đồng hành để thực hiện thành công chuyển đối số với mục tiêu đưa sản phẩm cam Hà Tĩnh đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, rộng hơn và xa hơn.

Đến nay, đã khảo sát, thu thập thông tin, xử lý số liệu, số hóa được 1.872 ha của 1.609 hộ dân thuộc 13 HTX, 265 tổ hợp tác sản xuất cam Chanh, cam Bù theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hoàn thành xây dựng cổng thông tin điện tử Camhatinh.gov.vn, xây dựng phóng sự để giới thiệu, quảng bá chất lượng cam Hà Tĩnh và chuẩn bị tốt cho việc ra mắt Cổng thông tin điện tử camhatinh.gov.vn gắn với truy xuất nguồn gốc và tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ.

Lễ hội cam tại Hà Tĩnh năm 2020

Lễ hội cam tại Hà Tĩnh năm 2020.

 

Ông Nguyễn Văn Trí- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện chuyển đổi số trên cây ăn quả có múi cho biết: “Xác định nhiệm vụ Khuyến nông là chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con, nhiều năm qua Trung tâm đã thực hiện thành công nhiều mô hình trong phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh và đã được tỉnh ghi nhận. Trong thời đại 4.0, xác định rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu nên Trung tâm Khuyến nông đã đảm nhận vai trò tiên phong, quyết tâm đồng hành cùng bà con để không tụt hậu lại phía sau. Từ thắng lợi và kinh nghiệm có được trong chuyển đổi số và đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử, nên công tác thu thập thông tin, cập nhật dữ liệu… thực hiện chuyển đổi số cam được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch Covid 19”.

Vừa hoàn thiện hệ thống Cổng thông tin Camhatinh.gov.vn gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thì Sở Công thương cũng đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ cam, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu cam Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Đặng Ngọc Sơn cho biết: “Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống Cổng thông tin và App của bưởi và cam Hà Tĩnh; thực hiện chuyển đổi số trên diện rộng để phục vụ công tác quản lý. Đồng thời, xây dựng hệ thống truyền tải, kết nối để thực hiện quản lý theo các cấp. Mặt khác, xây dựng kho dữ liệu để phục vụ chức năng Chatbot, hỗ trợ thiết kế tem nhãn, tìm kiếm thị trường, xây dựng các mô hình đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... Trong tương lai, Cổng thông tin là môi trường để thực hiện mọi hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, xây dựng kho tri thức nông nghiệp với đầy đủ thông tin để người dân tìm kiếm, kết nối thông tin phục vụ sản xuất, tiêu thụ. Các bên liên quan dễ dàng trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp để cùng giải quyết các vấn đề quan tâm mà các bên cùng có lợi. Từ đó, thúc đẩy Cam Hà Tĩnh cũng như các sản phẩm nông thủy sản phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước thông qua sàn thương mại điện tử”.

Anh Bình
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm