Kinh tế số

Những loại giấy phép quản lý game online nào sắp được bãi bỏ?

DNVN - Theo dự thảo (lần 2) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới trong quản lý dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Theo đó sẽ bãi bỏ nhiều loại giấy phép, giấy chứng nhận đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online).

Xuất khẩu trực tuyến ngành F&B tăng vọt trong đại dịch / Phát triển “chợ online”, Vissan Mart bắt tay hãng giao hàng nhanh Borzo

Sửa đổi nhiều quy định quản lý game online

Theo thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, chỉ có 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép G1 có cung cấp dịch vụ. Số doanh nghiệp còn lại có giấy phép nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ hoặc có một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng có Giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán để phát hành game không phép. Thực tế này khiến cơ quan quản lý quyết định bãi bỏ một số loại giấy phép không cần thiết.

Trước đây, doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ và phát hành trò chơi điện tử (game) G1 trên mạng cần 2 loại giấy tờ: Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi G1. Tương tự đối với việc cung cấp dịch vụ và phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng cũng cần 2 loại Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận.

Nay theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng; Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng bị bãi bỏ.

Thay vào đó, Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi G1 hiện nay sẽ được đổi tên thành Giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng; Giấy xác nhận thông báo cung cấp trò chơi G2, G3, G4 trên mạng hiện nay được đổi tên thành Giấy chứng nhận đăng ký phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, doanh nghiệp chỉ cần một loại giấy phép hoặc giấy chứng nhận nói trên để cung cấp dịch vụ và phát hành trò chơi điện tử G1 hoặc G2, G3, G4 trên mạng.

Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng quy định phân loại độ tuổi người chơi trò chơi điện tử trên mạng theo lứa tuổi từ 18 +, 16 +, 12 +. Đặc biệt việc phân loại trò chơi điện tử dành từ người chơi từ 16 tuổi trở lên, lần đầu tiên được đưa vào Nghị định, là để phù hợp phân loại độ tuổi của các kho lưu trữ quốc tế như App Store, Google Play…

Một số quy định cũng lần đầu tiên được đưa vào Nghị định như yêu cầu về thành phần hồ sơ cấp Giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng phải có “Giấy tờ chứng nhận bản quyền hợp pháp và có hợp pháp hóa lãnh sự tại nước sở tại văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam”. Đây là quy định để đảm bảo game được cấp phép có bản quyền hợp pháp tại Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy phép phát hành game G1, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký phát hành trò chơi G2, G3, G4 trên mạng trong trường hợp 12 tháng sau khi được cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ.

Sẽ có nhiều điểm mới trong quản lý dịch vụ game online ở Việt Nam.

Sẽ có nhiều điểm mới trong quản lý dịch vụ game online ở Việt Nam.

Ngành game tăng trưởng mạnh bất chấp COVID-19

Ở góc độ tích cực, trò chơi điện tử trên mạng hiện nay đang được xếp vào là một trong những ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng trí tuệ cao, mang lại lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin, thu hút lao động, đóng góp kể cho ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tại hội nghị đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021, doanh thu của ngành công nghiệp game online đã tăng từ 4.968 tỷ đồng của năm 2015 lên mức 11.500 tỷ đồng năm 2019 và năm 2020 là 12.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp ngành game online cũng nộp ngân sách nhà nước 1.150 tỷ đồng năm 2019, so với 490 tỷ đồng năm 2015, dự kiến năm 2020 là 1.200 tỷ đồng. Về lao động, con số tăng trưởng còn ấn tượng hơn, từ mức 7.000 người năm 2015 lên đến 24.000 người năm 2019.

 

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, tính đến hết 30/10/2020, có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 4 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, 50 doanh nghiệp vừa bị thu hồi giấy phép G1).

Số lượng trò chơi điện tử đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 878 trò chơi (trong đó có 625 trò chơi đang phát hành, 253 trò chơi đã thông báo dừng phát hành). Số lượng doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4 là 106 doanh nghiệp; 8.332 trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng được cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành.

Với những số liệu thống kê ghi nhận từ thị trường về doanh thu từ hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (game online) từ năm 2015 đến 2019 như trên cho thấy mức tăng trưởng gấp đôi về doanh thu, gấp gần 2 lần rưỡi về tiền thuế nộp ngân sách nhà nước và gấp ba về nhân lực hoạt động trong ngành game online.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm