Kinh tế số

Thương mại điện tử sau đại dịch, các Startup Việt nên tận dụng lợi thế đối tác

DNVN - Đây là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến "Tương lai Kinh tế số Việt nam - Vai trò của thương mại điện tử (TMĐT) sau đại dịch COVID - 19", sáng 16/10, do Làng công nghệ an toàn không gian mạng, Làng Logistics, Làng Fintech tổ chức trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2021.

Việt Nam có tỷ lệ lãnh đạo nữ trong ngành TMĐT cao nhất Đông Nam Á, lên tới 46% / 5 điểm nghẽn cản trở các ngân hàng thương mại số hóa

Nguy cơ tăng đột biến từ phần mềm độc hại

Chia sẻ tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, nguy cơ từ hoạt động TMĐT tại Việt Nam đang rất cao, vấn đề nhức nhối nhất là sử dụng phần mềm không bản quyền khiến các doanh nghiệp TMĐT, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hacker tấn công rất mạnh.
5 nguy cơ cao được các chuyên gia chỉ ra hiện nay là sự tấn công của hacker từ chối dịch vụ, làm cho các sàn không phục vụ được đúng chức năng của mình. Người dùng không truy cập được thì trang điện tử bán hàng kéo theo lượng khách hàng mất đi.
Tiếp đó là nguy cơ tại từ khóa gợi mở dẫn dắt người dùng đến nội dung không mong muốn.
Hiện Việt Nam là nước hàng đầu về nguy cơ cài cắm phần mềm độc hại, người dùng bị mất thông tin, bị khai thác thông tin trái phép đang diễn ra phổ biến khi mua hàng qua TMĐT.
Hình thức hacker chiếm dụng máy tính, mã hóa một vùng dữ liệu của máy tính và bắt khách hàng phải đưa tiền chuộc là nguy cơ đột biến nhất trong năm 2021.
Nguy cơ rất mới khác là hacker tìm cách chiếm dụng tài khoản ngân hàng, các thông tin khách hàng, thậm chí là đòi tiền chuộc ngay trong quá trình khách hàng giao dịch mua hàng online.
Chưa có giải pháp định hướng cho các doanh nghiệp hoạt động TMĐT hợp tác cùng thắng.
Đánh giá về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp TMĐT hiện nay tại Việt Nam, trong đó có các Startup Việt, ông Ôn Như Bình - Giám đốc Chiến lược Kinh doanh, Teko Vietnam (a company of VNLife) cho biết, hiện chưa có sự đồng bộ trong giải pháp để định hướng cho các doanh nghiệp hợp tác cùng thắng. Các doanh nghiệp TMĐT còn “mạnh ai người đó chạy”, chưa ưu tiên đặt thị trường công nghệ trong sự phối hợp nhịp nhàng khiến chi phí vận hành, dịch vụ còn cao.
Startup Việt cần biết kết hợp với ‘ông lớn’ để mạnh hơn
Bàn về cơ hội cho Startup Việt hoạt động trên lĩnh vực TMĐT sau thời đại dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng, thách thức sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ tập trung vào thế mạnh của mình, hoặc kết hợp doanh nghiệp lớn để tối ưu hóa được quy trình. Startup Việt cần biết kết hợp với ‘ông lớn’ để mạnh hơn.
Theo ông Ôn Như Bình, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt chỉ cần sống khỏe, mang lại sức sống mới đã là rất tốt. Startup Việt không nên bằng mọi giá phải lọt top 1, top 2 trên lĩnh vực này. Hãy biết cách tận dụng lợi thế đối tác của mình có thay vì “làm tất ăn cả”.
Đại diện cho sàn TMĐT Vỏ Sò, bà Thanh Thùy chia sẻ kinh nghiệm: Khi lựa chọn TMĐT, sàn TMĐT Vỏ Sò không đi theo hướng chung của các sàn TMĐT nổi tiếng mà chọn bẻ lái về sản phẩm nông sản Việt có nguồn cung dồi dào, nhu cầu lớn nhưng đang gặp hạn chế về các kênh online đáp ứng.
“Phải hiểu rõ người dùng là ai, ứng dụng hiệu quả tính năng trên sàn và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo tôi, để các sàn TMĐT thành công thì công nghệ là quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm nào mang ra kinh doanh. Hoạt động TMĐT khiến lượng dữ liệu xử lý mỗi ngày rất lớn. Bởi vậy, Startup Việt cần nghiên cứu công nghệ mới để cạnh tranh hoặc bắt tay với các ông lớn”, bà Thanh Thùy nói.
Cũng theo bà Thùy, Startup Việt cần chú ý bảo đảm chất lượng hàng hóa và nhận diện đến người tiêu dùng cuối khi giao dịch trên TMĐT. Làm sao để người bán hàng dễ đưa sản phẩm lên sàn, người tiêu dùng dễ kiểm định chất lượng sản phẩm. Quy trình đóng gói hàng hóa vừa phải quản trị được yếu tố thẩm mỹ, nhận diện thương hiệu, vừa vận chuyển an toàn.
Sàn TMĐT Vỏ Sò mong muốn được phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Startup, tạo cho mình mô hình tiên phong khép kín để thúc đẩy kênh phân phối tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Startup Việt cần biết kết hợp với ‘ông lớn’ để mạnh hơn
Theo tiến sĩ Lê Quang Minh - Trưởng phòng nghiên cứu An toàn Hệ thống thông tin, Viện CNTT- ĐH Quốc gia Hà Nội, thói quen check QR code trên điện thoại của người dân từ đại dịch COVID-19 cũng đang tạo điều kiện tốt cho các Startup Việt hoạt động trên lĩnh vực TMĐT. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nâng cấp thói quen này lên trong ứng dụng hoạt động của mình để khách hàng có thể tiện lợi trong việc thanh toán, xác thực nguồn gốc.
Để hỗ trợ cho các Startup Việt, các chuyên gia tại buổi Tọa đàm mong muốn các doanh nghiệp lớn có kế hoạch, định hướng công nghệ dài hạn, nhất là hạ tầng công nghệ để chia sẻ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn thiện hạ tầng thương mại, từ đó, tạo khoảng trống cho các Startup phát triển.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm