Chuyển đổi số

Năm 2022: Ngành giáo dục tăng tốc chuyển đổi số

DNVN - Trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng một số chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục.

Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại còn rất chậm / Kiến tạo, khai thác và bảo vệ dữ liệu số là chìa khóa cho mọi tổ chức, doanh nghiệp

Ngày 24/12, Microsoft Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đối tác công nghệ và giáo dục đồng tổ chức trực tuyến “Ngày hội Công nghệ Giáo dục 2021 – Tương lai Giáo dục hậu COVID” nhằm chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại dịch COVID-19 có thể coi là cú hích với các trường học trong cả nước để tăng tốc tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo.

Trong 2 năm qua, ngành giáo dục đào tạo đã ghi nhận tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt 80% trên cả nước. Năng lực số của đội ngũ giáo viên đã gia tăng đáng kể thông qua việc sử dụng thành thạo, hiệu quả và sáng tạo các giải pháp công nghệ phục vụ giảng dạy. Nhiều trường đã sớm đầu tư một hệ sinh thái số từ việc dạy và học trực tuyến đến hệ thống quản trị không giấy tờ.

Tỷ lệ học sinh học trực tuyến trên cả nước đạt khoảng 80%. Ảnh: Internet.

Trong năm học 2021-2022, Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội, Hệ thống giáo dục Sky-line Đà Nẵng và trường THPT Võ Thành Trinh tỉnh An Giang đã nhận được danh hiệu Trường học Điển hình Microsoft toàn cầu nhờ việc chuyển đổi số và ứng dụng xuất sắc công nghệ để nâng cao kết quả học tập và giảng dạy.

Ông Tô Hồng Nam cũng nhấn mạnh: Trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng một số chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục như: ban hành Bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ sở giáo dục đào tạo để các trường có một lộ trình chuyển đổi bài bản và khoa học; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chuẩn dữ liệu số, học liệu số để đảm bảo dữ liệu số của ngành giáo dục có sự liên thông và kết nối với dữ liệu quốc gia.

Ngoài ra, rà soát và nghiên cứu kỹ các giải pháp công nghệ thông tin cho ngành giáo dục để các trường có thể tham chiếu, lựa chọn tùy theo điều kiện cơ sở mà vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn thông tin mạng.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh, Microsoft Việt Nam cho rằng tương lai của giáo dục là học tập kết hợp – hybrid learning. Để thực hiện được điều đó, Microsoft đã xây dựng Khung Chuyển đổi số giáo dục dựa trên nghiên cứu và nhiều thập kỷ làm việc với các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trường học và các nhà giáo dục trên thế giới, thông qua 4 trụ cột chính là: lãnh đạo và chính sách; dạy và học; môi trường thông minh; sự thành công của học sinh và nhà trường.

“Chuyển đổi số giáo dục không chỉ là việc có thể tổ chức giảng dạy và học tập từ bất kỳ đâu, mà quan trọng hơn còn là việc cá nhân hóa trải nghiệm và tạo ra các phương pháp tương tác mới có khả năng tiếp cận và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người”, ông Thắng nói.

Cũng tại hội thảo, Microsoft đã chia sẻ hệ sinh thái giải pháp thúc đẩy giáo dục số lấy học sinh làm trung tâm, bao gồm 4 yếu tố: môi trường – nền tảng – công cụ – sự sáng tạo.

Để thúc đẩy tương lai giáo dục số, Windows 11 – hệ điều hành được thiết kế cho kỷ nguyên của học tập, làm việc từ xa và kết hợp đã được Microsoft giới thiệu tại Việt Nam.

Trong hai năm đại dịch vừa qua, Microsoft đã cung cấp miễn phí Office 365 phiên bản dành cho giáo dục cho các trường học tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Đây là một công cụ giúp các cơ sở đào tạo và trường học có thể dễ dàng chuyển đổi mô hình dạy học với các tính năng được thiết kế phù hợp cho giảng dạy như Microsoft Teams - nền tảng cộng tác giúp giáo viên và học sinh có thể dễ dàng tổ chức các lớp học trực tuyến…

Phan Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm