Tin tức - Sự kiện

Đã đến lúc dừng chửi bới!

Hôm nay, 20/1, TAND quận Thủ Đức TP.HCM đưa ra xét xử lưu động vụ án 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em mầm non gây chấn động dư luận xảy ra vào giữa tháng 12/2013.

Ảnh minh họa: Trẻ em đã không được bảo vệ từ gia đình đến nhà trường

Đây có thể được xem là một trong những vụ được đưa ra xét xử khá nhanh, hầu hết phụ huynh đều mong muốn pháp luật xử lý nghiêm để răn đe những bảo mẫu khác.

 
Ngay khi đoạn clip ghi cảnh các cháu nhỏ bị hành hạ tại lớp mầm non tư thục Phương Anh (đóng tại số 18, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) được đăng tải, lập tức đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Câu chuyện về đạo đức, lòng yêu trẻ như mẹ hiền của các bảo mẫu được được đặt vào tình trạng "báo động khẩn cấp".
 
Khi chứng kiến cảnh con mình bị hành hạ dã man, ăn cơm chan nước mắt,…các phụ huynh đều chết lặng, căm phẫn tột cùng, òa khóc nức nở và thậm chí đòi kéo nhau đi “xử” bảo mẫu. Thế nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc được phát giác.
 
Thực trạng ngược đãi trẻ em ngày càng gia tăng, trong khi các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội chưa phát huy hết được vai trò bảo vệ các em nhỏ. Mối nguy hiểm rình rập trẻ em hiện nay không chỉ đến từ xã hội mà còn đến từ chính những người thân thiết, gần gũi của các em. Thực sự, không ít những bà mẹ cũng tát con của mình bôm bốp vào mặt vì con không ăn, vì con nói hỗn. Nhiều phụ huynh cũng sẵn sàng la lối nhốt nó vào phòng tối nếu đứa bé đó không nghe lời. Xét ở quy mô gia đình, không ít ông bố, bà mẹ cũng đang gây bạo lực với chính con mình (mà nếu quay clip, thì hành vi ấy bạo lực có khi cũng chẳng kém mấy cô bảo mẫu kia). Nhưng họ coi đó là...dạy con.
 
Vấn đề bạo lực với trẻ em, nhất là trẻ mẫu giáo, mầm non là vấn nạn, cả ở trong gia đình và nhà trường, mà bảo mẫu Nguyễn Thị Điều, Nguyễn Lê Thiên Lý là những vụ điển hình. Cha mẹ đánh con thì họ cho mình cái quyền "dạy con", yêu cho roi cho vọt. Khi giáo viên "dạy trẻ" quá bạo lực thì phụ huynh chỉ biết chết lặng, căm phẫn và chửi bới,...Trong khi đó, cái gốc của vấn đề thì không được tìm hiểu cặn kẽ. Tin chắc rằng, khi có thông tin thời sự hơn xảy ra, thì vấn đề giải quyết tận gốc sẽ chìm vào quên lãng. Bất quá thì bà Điều, bà Lý bị xử tù, và mọi người hả hê coi đó là xong. Nhưng cái gốc thì chưa xong.
 
Tại sao khi trẻ nghịch phá, không nghe lời,...người lớn chỉ có thể la mắng, chửi bới, thậm chí đánh đập không thương tiếc mà không tìm một giải pháp khác? Cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những sự ngược đãi? Câu hỏi này đã trở thành một vấn đề xã hội cấp bách mà việc giải quyết không hề đơn giản.
 
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra phổ biến vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc xuất phát từ tâm lý lạc hậu vẫn còn tồn tại trong không ít người lớn “yêu cho roi cho vọt”. Không chỉ có bố mẹ mà nhiều thầy cô ở trường cũng xem việc dùng roi vọt để uốn nắn trẻ em là một “biện pháp” hiệu quả để trẻ vâng lời.
 
Mặt khác, do điều kiện kinh tế xã hội, do áp lực mưu sinh nên nhiều bậc phụ huynh phó mặc con cái cho các cơ sở nuôi dạy, ngay từ khi trẻ còn bé đến hết các cấp học. Từ đó xuất hiện tâm lý, các thầy cô muốn làm gì thì làm, bố mẹ cũng không quan tâm, hoặc ít có điều kiện quan tâm.
 
Đã đến lúc chúng ta dừng chửi bới, dẹp bỏ tâm lý “yêu cho roi cho vọt”. Chửi bới không giải quyết được vấn đề mà chỉ kích động bạo lực. Các bậc phụ huynh nên biết rằng “con cái là tài sản vô giá của cha mẹ”. Đã đến lúc phải dạy trẻ theo phương pháp “không roi vọt” để bảo vệ trẻ và quan trọng là để làm gương. Đứa trẻ nào cũng cần sự yêu thương, gần gũi, chỉ dạy tận tình. Đứa trẻ nào cũng cần sự yêu thương, gần gũi, chỉ dạy tận tình.
 
Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, Chuyên gia Tâm lý học, cố vấn Đường dây tư vấn Hỗ trợ Chăm sóc bà mẹ trẻ em: “Vấn đề lấy nhân cách để giáo dục nhân cách, vốn là một yêu cầu vô cùng quan trọng của giáo dục đã không được thực hiện”.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo