Pháp luật

Đại án OceanBank: "Bóng hồng" Quỳnh Tứ lại khóc nức nở

Ngày 30/8, tòa chuyển sang thẩm vấn Hoàng Thị Hồng Tứ (Quỳnh Tứ) - cựu Chủ tịch BSC. Quá trình xét hỏi, người đẹp không giữ được bình tĩnh, bật khóc nức nở.

Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ngày 30/8 tiếp tục với phần xét hỏi liên quan hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo tin tức trên báo VOV. 

Trong hành vi này, chiều qua, HĐXX thẩm vấn Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT VNCB (Ngân hàng Xây dựng Việt Nam), Trần Văn Bình – TGĐ Công ty Trung Dung (con ty con của Phạm Công Danh), đọc bút lục lời khai của Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn)– và một số cá nhân, tổ chức liên quan.

Cựu thư ký của Hà Văn Thắm khóc, phủ nhận liên quan đến BSC 

Quá trình xét hỏi cho thấy, Danh và Thắm đẩy trách nhiệm 500 tỷ cho Hứa Thị Phấn. Trong khi, lời khai của Sáu Phấn cho rằng, mình bị ép buộc phải cho mượn tài sản để Phạm Công Danh vay khoản tiền 500 tỷ của Oceanbank.

Vũ Thị Hương Thảo - Đại diện Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB) trả lời vấn đề liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng. Người đại diện cho rằng, đây là hợp đồng vay mượn của Công ty Trung Dung với Oceanbank nên CB không có quan điểm về vấn đề này. 

Về biên bản 3 bên: Trung Dung – Oceanbank – Đại Tín (sau Phạm Công Danh đổi tên là VNCB và nay là CB) cho rằng CB không phát sinh trách nhiệm trong khoản vay này.

Về trách nhiệm giải quyết số tiền 500 tỷ đồng, bà Thảo cho rằng, đó là hợp đồng tín dụng giữa Oceanbank và Trung Dung nên cứ theo hợp đồng tín dụng để thực hiện. Theo HĐXX, khoản tiền này Phạm Công Danh vay, và tiền được chuyển về Đại Tín để tất toán các khoản nợ của Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín.

Tòa chuyển sang thẩm vấn Hoàng Thị Hồng Tứ - cựu Chủ tịch BSC. Tứ làm việc tại Oceanbank từ năm 2007 với chức danh thư ký Chủ tịch HĐQT. Năm 2013, bị cáo xuống làm việc tại khối bán lẻ, chuyên viên truyền thông.

 

Tứ chưa từng làm việc tại Công ty BSC, nhưng năm 2008, Hà Văn Thắm nhờ đứng tên Chủ tịch BSC trong thời gian chờ người điều hành. Bao nhiêu nhân sự, trụ sở của BSC ở đâu, người đẹp Hoàng Thị Hồng Tứ không biết.

Việc ký 97 hợp đồng “thu phí” của khách hàng vay tiền ngân hàng thông qua Công ty BSC, người đẹp cho biết là chỉ mang tính thủ tục vì đã được hoàn thiện hồ sơ, viết tên của bị cáo đã đầy đủ.

Người đẹp cho biết, bị cáo không góp vốn, không có bất kỳ hoạt động nào tại công ty này. Đứng tên Chủ tịch BSC, nhưng công việc chính của Tứ là công việc hành chính tại Oceanbank. 

Đang được xét hỏi, Hồng Tứ khóc nức nở. Nghe tòa động viên, Cựu chủ tịch BSC trình bày trong thời gian này sức khỏe của mình yếu nên hay căng thẳng, dễ xúc động, báo Zing news đưa tin. 

Nghe HĐXX hỏi, Hồng Tứ nhiều lần bối rối, liên tục đan tay vào nhau. Phần trả lời của cựu Chủ tịch Công ty BSC được Hà Văn Thắm ngồi dưới chăm chú theo dõi.

 

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi bị truy tố về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, bị cáo ý kiến gì không, Tứ khóc rồi nói:  "Bị cáo không làm gì hết, không tư lợi, nhận lương, bị cáo không giúp sức cho ai cả".

Theo ghi nhận, trong buổi xét xử chiều 29/8, tòa đã dành phần lớn thời gian thẩm vấn 3 bị cáo: Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch ngân hàng Oceanbank), Phạm Công Danh (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trần Văn Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung - công ty con của Danh), liên quan tới việc mua bán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín) và việc ngân hàng Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng không có tài sản thế chấp đảm bảo.

Bị cáo Bình khai bản thân là lái xe thuộc bộ phận hành chính của tập đoàn Thiên Thanh, không chuyên trách chở ai. Bình nói sau khi bị bắt, nghe cơ quan điều tra hỏi cung mới biết bản thân giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung. Bình cũng khẳng định "không biết" về khoản tiền 500 tỷ mà công ty do mình làm tổng giám đốc vay của ngân hàng Oceanbank. 

Lắng nghe phần trình bày của nhân viên cũ, bị cáo Phạm Công Danh ngồi ở hàng ghế bị cáo phía sau vành móng ngựa thi thoảng đưa mắt lên nhìn. Đến khi được tòa hỏi, sếp cũ của Bình cho rằng với trình độ của một lái xe, khi đối diện trước pháp luật Bình có thể lo sợ. "Anh nói không biết gì là chưa đúng. Anh Bình làm Tổng giám đốc Công ty Trung Dung không có ai ép buộc và lái xe này tự xin làm", Danh khẳng định.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo VOV, Zing news)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo