Tin tức - Sự kiện

Đan Mạch muốn tiếp tục hợp tác hơn nữa với Việt Nam

Đan Mạch và Việt Nam đã có hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2012). Mối quan hệ này đang tiếp tục mở ra những cơ hội tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu cung cấp viện trợ phát triển sớm nhất cho Việt Nam, bắt đầu tư năm 1972. tính đến năm 2012, tức là sau 40 năm, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 1 tỷ USD vốn ODA, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp, văn hoá, môi trường và xoá đói giảm nghèo.
 
Dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010, nhưng phía Đan Mạch cho biết vẫn sẽ tiếp tục tài trợ ODA cho Việt Nam đến năm 2015. Theo đó, các khoản ODA giai đoạn này sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Cam kết này thể hiện sự quan tâm và tin tưởng của Chính phủ Đan Mạch vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam thời gian qua, đồng thời mở ra một trang mới về mối quan hệ Việt Nam- Đan Mạch trong thời gian tới.
 
Không chỉ cung cấp ODA cho Việt Nam, Chính phủ Đan Mạch còn coi Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác trong tương lai. Đó là lý do thời gian gần đây, rất nhiều cán bộ cấp cao của Đan Mạch đã sang thăm Việt Nam. Cụ thể là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đan Mạch, bà Helle Thorning Schmidt từ ngày 6-8/11/2012; chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch, ông Villy Sovndal từ ngày 26/2-1/3/2013; và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Đan Mạch, bà Pia Olsen Dyh từ ngày 5-7/3/2013.
 
Sau các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước là rất nhiều các thoả thuận hợp tác được ký kết như lễ ký kết hợp tác về bảo tồn biển; hợp tác về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và các dịch vụ sở hữu trí tuệ; chương trình quản trị công và cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015;…
 
Các doanh nghiệp của Đan Mạch cũng thể hiện sự quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Hiện đã có 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 625 triệu USD. Với số vốn này, Đan Mạch đang đứng thứ 25 trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù các dự án đầu tư của doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam chỉ có dự án xây dựng cảng Cái Mép được đánh giá là lớn với số vốn đầu tư 268,6 triệu USD còn lại là các dự án nhỏ và vừa nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư các dự án của doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam kinh doanh rất hiệu quả và luôn tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam.
 
Đánh giá Việt Nam là một môi trường đầu tư tiềm năng, trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5-7/3, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Đan Mạch, bà Pia Olsen Dyhr cho biết, sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam tại một số lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh, đồng thời Việt Nam có mong muốn như xây dựng cảng biển, chế biến thực phẩm…/.
 
 
 
 
Gia Huy (Theo VEN)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo