Tin tức - Sự kiện

Điều kiện đăng ký thường trú: Phạm vi quá rộng

Việc bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chỉ nên áp dụng cho nội thành.

(VOV) Về bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương (khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật Cư trú), theo quy định của dự thảo Luật thì ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng quy định này trên phạm vi toàn thành phố trực thuộc trung ương là quá rộng vì trên thực tế nhiều huyện ngoại thành của các thành phố trực thuộc trung ương hiện nay không phải chịu áp lực về mật độ dân cư, có huyện còn khuyến khích dân cư đến ở.

Mặt khác, sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở nội thành Hà Nội thì ngày 8/12/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô để giải quyết vấn đề này. Tuy vậy, tại Điều 19 của Luật Thủ đô cũng chỉ quy định các điều kiện hạn chế hơn về đăng ký thường trú đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành, tức là khu vực gồm các quận của thành phố Hà Nội, còn đối với khu vực ngoại thành, Luật Thủ đô không đưa ra các quy định hạn chế đăng ký thường trú nào. Do đó, Ủy ban pháp luật đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.

Phát biểu tại phiên làm việc chiều 21/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với nhiều ý kiến khác cho rằng, phạm vi nên khoanh vào nội thành, việc mở rộng như trong dự án luật là không hợp lý.

Về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức… thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, bà Nguyễn Thị Nương- Trưởng Ban Công tác đại biểu đồng ý với Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và đề nghị bỏ quy định này.

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, việc bỏ xác nhận và công chứng cũng được, song sẽ gây khó khan cho công tác quản lý nhà nước.

“Nếu không quy định như trên và để cho hai bên tự thỏa thuận thì dễ dẫn đến hành vi làm giấy tờ giả, lợi dụng để trục lợi. Nếu có sự xác nhận, công chứng th ông A hay bà B có nhà ở đây thì tốt hơn”, ông Ngọ nói.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên giữ nguyên quy định như trong dự án Luật. Điều quan trọng là áp dụng trong thực tế, quá trình thực hiện phải nhanh.

 

 

Hồng Lĩnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo