Hỗ trợ doanh nghiệp

VCCI: Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ

DNVN - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các yêu cầu về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn yêu cầu chi phí đầu tư lớn, rất khó đáp ứng đối với doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập những thị trường mới.

Cần có chính sách đột phá để doanh nghiệp "mặn mà" với nông nghiệp công nghệ cao / Kết nối ngân hàng, doanh nghiệp nhằm gỡ khó tiếp cận tín dụng

Hạn chế cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (phiên bản 4) (gọi tắt là Dự thảo) do Bộ Công Thương soạn thảo, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số ý kiến.

Về uỷ thác xuất khẩu, Điều 1.1 Dự thảo bổ sung quy định về uỷ thác xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân có giấy phép xuất khẩu gạo chỉ được uỷ thác hoặc nhận uỷ thác từ thương nhân có giấy phép.

Theo Tờ trình Dự thảo, quy định này để tránh trường hợp doanh nghiệp không được cấp phép uỷ thác nhận từ doanh nghiệp được cấp phép để thực hiện thủ tục xuất khẩu gạo tại cơ quan hải quan, không bảo đảm công tác quản lý cũng như truy xuất nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ không cho phép doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo nhận uỷ thác xuất khẩu từ doanh nghiệp chưa có giấy phép. Từ đó hạn chế cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới.


Theo VCCI, quy định về uỷ thác xuất khẩu hiện nay hạn chế cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, các yêu cầu về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn yêu cầu chi phí đầu tư lớn, kể cả trong trường hợp đi thuê. Các điều kiện này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo số lượng lớn nhưng rất khó đáp ứng đối với doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam rất năng động trong việc tìm kiếm các thị trường mới như châu Âu, Canada, Trung Đông… Đây là những thị trường đòi hỏi số lượng gạo ít, nhưng chất lượng cao, quy cách bảo quản, đóng gói tốt và có giá tốt. Hơn nữa, khách hàng tại các thị trường này như các siêu thị, chuỗi của hàng… thường có nhu cầu tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp nhiều loại nông sản cùng lúc, chứ không chỉ riêng mặt hàng gạo. Các doanh nghiệp này vẫn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cao như trên mà buộc phải uỷ thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đủ điều kiện.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp có giấy phép chỉ được nhận uỷ thác xuất khẩu từ thương nhân khác có giấy phép

Đề xuất giữ nguyên điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Theo Tờ trình Dự thảo, cơ quan soạn thảo đang đưa ra 2 phương án về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.cTrong đó, với phương án 1, bổ sung điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng “có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm”. Phương án này theo đề xuất của Bộ NN&PTNT. Phương án 2, giữ nguyên như quy định hiện hành.

VCCC phân tích, mặc dù liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo được coi là khâu then chốt giúp làm tăng sản lượng, chất lượngnông sản Việt Nam, mối liên kết này không thể tồn tại chỉ bằng yêu cầu hành chính (điều kiện kinh doanh) mà cần sự đồng thuận và thiện chí từ các bên tham gia.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người nông dân cũng đã tự ký các thỏa thuận liên kết để nâng cao giá trị nông sản mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Tuy nhiên, mỗi khi có biến động giá hoặc sản lượng, cả phía doanh nghiệp và nông dân đều dễ dàng vi phạm các hợp đồng đã ký kết. Các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng (đặc biệt từ tòa án) hiện chưa bảo đảm để xử lý các vi phạm hợp đồng, giúp duy trì các liên kết như vậy một cách lâu dài.

Do đó, về dài hạn, biện pháp tốt nhất để tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ là cải thiện các thiết chế tư pháp bảo đảm thực thi hợp đồng, còn các biện pháp hành chính chỉ nên mang tính ngắn hạn.

VCCI cho rằng, tiêu chí này nên được coi là một nội dung khuyến khích, không phải bắt buộc cản trở hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh chưa cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đề nghị Bộ Công Thương giữ nguyên quy định như Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Phương án 2)

Về cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, VCCI kiến nghị phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo từ Bộ Công Thương về địa phương (UBND tỉnh hoặc Sở Công Thương). Đồng thời bãi bỏ quy định về thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm