Tin tức - Sự kiện

Đổi mã vùng điện thoại, “lõm” túi người dùng

Từ ngày 1.3.2015 mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, thành trong đó có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị thay đổi theo “Quy hoạch kho số viễn thông của Bộ Thông tin & Truyền thông”.

13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thay đổi mã vùng từ ngày 1.3.2015

Chưa biết việc quy hoạch này giúp cho việc quản lí tài nguyên kho số hiệu quả tới đâu, nhưng trong khoảng chưa đầy 2 tháng còn lại, người dùng (đặc biệt là tổ chức, doanh nghiệp) sẽ phải chi không ít do sự thay đổi này.

Một bạn đọc phản ánh trên báo rằng vừa mới in xong 172.000 bản gồm 15.000 bao bì giấy, 45.000 nhãn chai các loại, 15.000 poster, giấy có tiêu đề, bao thư A4, A5, A6..., sắp tới phải in lại sẽ phải tốn thêm một khoản lớn chi phí.

Trong số 13 tỉnh, thành trực thuộc trung ương phải thay đổi mã vùng từ ngày 1.3, trường hợp như Hà Nội và TPHCM chỉ thay đổi từ 1 số lên 2 số (4 và 8 thành 24 và 28); một số tỉnh thành lại thay đổi từ 2 số lên 3 số (Hải Phòng từ 31 lên 225, Quảng Ninh từ 33 thành 203…). Nhưng, có một số tỉnh, thành thay đổi theo kiểu “quay ngoắt” và đặc biệt mã vùng mới thêm số cũng không có gì dễ nhớ hơn như Đà Nẵng từ 511 đổi thành 236, Cà Mau từ 780 đổi thành 290…

Một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM cho biết, đã là Thông tư, thuộc văn bản qui phạm pháp luật, doanh nghiệp phải tuân thủ. Song doanh nghiệp này phải tốn ít nhất 70 triệu đồng để thay đổi các miếng dán đềcan số điện thoại. Cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp, trong đó tại 13 tỉnh, thành trực thuộc trung ương chiếm phần lớn, từ đây có thể suy ra, chi phí gây ra do sự thay đổi về mã vùng điện thoại cố định buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi biển bảng quảng cáo, công văn, mẫu hồ sơ và giấy tờ, tờ rơi quảng cáo.v.v…là rất lớn.

Chi phí này ai chịu cho doanh nghiệp? Những qui định hành chính ban hành, nếu gây ra thiệt hại cho người dùng nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, thì ai phải chịu trách nhiệm?  

Trên thực tế, mỗi tổ chức, doanh nghiệp có thông lệ in ấn các mẫu văn bản, thư từ, tài liệu…từ cuối năm trước để dùng cho cả năm sau hoặc ít nhất là 3-6 tháng. Thông lệ này không lẽ các cơ quan quản lí không biết? Nếu biết thì vì sao không công bố việc thay đổi mã vùng từ cuối năm trước, hoặc nếu công bố từ đầu năm này thì nên có thời gian quá độ dài hơn (khoảng 1 năm) để doanh nghiệp chủ động chuẩn bị? Còn như hiện nay, khi các tài liệu, mẫu thư, mẫu quảng cáo, tờ rơi.v.v…đã in xong chuẩn bị cho năm kinh doanh mới, chưa kịp dùng thì đã phải vứt thành giấy vụn, phế thải, rồi phải tốn một khoản tiền lớn khác để in ấn lại.

Năm 2008, khi VNPT chỉ thêm một con số 3 vào trước dãy số điện thoại cố định của doanh nghiệp này đã khiến cho 10 triệu thuê bao điện thoại cố định bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp như Big C bị sụt giảm kết nối từ phía khách hàng, doanh nghiệp vận tải taxi như Mai Linh cho biết phải tốn cả tỉ đồng để dán, in ấn cập nhật số điện thoại mới. Nay, việc đổi mã vùng tại 13 tỉnh, thành mức độ ảnh hưởng và gây thiệt hại không hề kém cạnh.

Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo