Đời sống

Tạo đột phá đưa du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngay đầu năm 2024, tín hiệu đáng mừng đối với ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận đó là lượt du khách đến địa phương tăng cao so cùng kỳ năm trước.

Sau khi nói lời chia tay được 5 năm, bạn trai cũ đột nhiên ngỏ lời cầu hôn / Điều hòa có mùi ở mức 27 độ? Chuyên gia tiết lộ, 'yếu tố then chốt' khử mùi phụ thuộc vào mẹo nhỏ này!

Đặc biệt, trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, lượng du khách đến địa phương này ước đạt 99.000 lượt, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 97 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu khởi sắc để Ninh Thuận biến tham vọng đưa ngành Du lịch của tỉnh bứt phá, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.

Chú thích ảnh
Khu du lịch vịnh Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải, thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nhiều khởi sắc

Từng là một tỉnh “trắng” trên bản đồ du lịch, nhưng những năm gần đây, với chủ trương và chính sách thu hút đầu tư phát triển đúng đắn, phù hợp, Ninh Thuận biến vùng đất khô cằn “nắng như phan, gió như rang” thành “nắng vàng, gió bạc”, điểm đến lý tưởng, hấp dẫn của du khách. Qua đó, đưa hình ảnh du lịch của tỉnh ngày một đến gần hơn với du khách, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể theo và Du lịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch, nhất là du lịch đẳng cấp cao. Tỉnh có nhiều quyết sách và thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ, với các dự án du lịch quy mô lớn được mọc lên. Tính đến cuối năm 2023, tỉnh có 57 dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 51.690 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch tại Ninh Thuận rất mạnh dạn, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều điểm, khu du lịch có đẳng cấp; đồng thời tích cực khai thác tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách, nhất là du lịch biển, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa…
UBND tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô lớn, tạo ấn tượng tốt cho du khách như: Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”; Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ; ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Khánh Hòa - Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2025...
Với hoạt động thiết thực trên, du khách trong và ngoài nước đã biết đến, tới vùng đất “Hội tụ những giá trị khác biệt” của Ninh Thuận ngày một nhiều hơn. Minh chứng rõ nét đó là số lượt khách đến đây đều tăng qua các năm. Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 20,8% so với cùng kỳ trước; trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt khách, tăng 239% so với cùng kỳ, công suất sử dụng phòng đạt 65%, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng khách đến tỉnh tăng cao chưa từng có, ước đạt 99.000 lượt, tăng 17,9% so cùng kỳ; trong đó, lượt khách quốc tế ước đạt 10.000 lượt, tăng 11,6% so cùng kỳ. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 97 tỷ đồng. Đáng nói hơn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu cần lưu trú của du khách.

Chú thích ảnh
Nhiều Resort đã được đầu tư xây dựng tại khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Khó khăn còn hiện hữu
Ngành Du lịch Ninh Thuật có bước nhảy vọt, số cơ sở lưu trú tăng với 212 cơ sở (tăng 7 cơ sở so với năm 2022 với trên 4.680 phòng, tăng 165 phòng so với năm 2022); trong đó, trên 50% số phòng đạt chất lượng tương đương 3 sao trở lên. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ so với nhu cầu thực tế của du khách cũng như bối cảnh phát triển chung của ngành Du lịch hiện nay.
Chị Huỳnh Thị Kim Vân, du khách đến từ Hà Nội cho hay, gia đình mong muốn đến Ninh Thuận trong dịp nghỉ Tết nhưng khi đặt phòng nghỉ, tất cả sở lưu trú đều “full” phòng. Do vậy, qua Tết, gia đình chị mới đến Ninh Thuận du lịch.
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận, thực tế như trong năm qua, lượng khách lưu trú qua đêm tại tỉnh chỉ chiếm 45% trong tổng số khách tham quan, nghỉ dưỡng. Chi tiêu bình quân cho mỗi khách du lịch đến tỉnh ước đạt 793 nghìn đồng/người, thấp hơn bình quân cả nước là 5,4 triệu đồng/người và thấp hơn so với các tỉnh lân cận như Khánh Hòa 5,3 triệu đồng/người, Bình Thuận 1,88 triệu đồng/người.
Sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc. Đặc biệt, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc địa phương. Các dịch vụ như, lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ.
Hơn nữa, sản phẩm du lịch của các địa phương thiếu tính liên kết trong phát triển. Hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo... còn thiếu, chưa đồng bộ để tạo sức bật mạnh mẽ, nâng tầm vị thế, sức cạnh tranh của du lịch tỉnh. Việc chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa xây dựng đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu du lịch của tỉnh với Trung ương, giữa ngành Du lịch của tỉnh với ngành khác…

Cần tạo đột phá
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để giải quyết bài toán trên, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt đầu tư vào khu, điểm du lịch theo quy hoạch và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối phù hợp, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Tỉnh tăng cường kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả dự án đang đầu tư thi công, kiểm tra thực hiện chương trình, đề án, dự án phát triển hạ tầng du lịch.
Tỉnh tiếp tục tăng cường quảng bá, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.
Ninh Thuận tập trung triển khai quyết liệt hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Tỉnh tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch đẳng cấp cao.
Để tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành Du lịch, Ninh Thuận tiếp tục tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, hình thành sản phẩm mới, có sức cạnh tranh cao.
Tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm mới lạ và bổ trợ…; qua đó phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 12 - 13%; doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng. Ngành Du lịch đóng góp 13% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm