Đời sống

Thận trọng khi nối tóc làm đẹp

Mong muốn sở hữu mái tóc dài, dầy, bồng bềnh trong tức khắc mà không cần mất nhiều thời gian nuôi dưỡng tóc là lý do chính khiến nhiều cô gái trẻ, đặc biệt giới nghệ sĩ, người mẫu, diễn viên… nồng nhiệt với dịch vụ nối tóc.

5 bộ phận của con cá chứa nhiều độc tố, nhiều người "khoái khẩu" món số 3 / Loại củ xấu xí, giá rẻ như khoai không ngờ ăn ngon, bổ dưỡng ngang nhân sâm

    Hiện nối tóc cũng ngày càng phổ biến và trở thành trò phù thuỷ bình dân, gần gũi hơn với mọi người. Tuy nhiên, những tín đồ của mốt làm đẹp này có lẽ sẽ phải thận trọng hơn khi nghe được thông tin về một tai nạn chết người nghi do nối tóc xảy ra mới đây ở Anh.

    Cô gái chết nghi do nối tóc

    Theo thông tin báo chí ở Anh từng đăng tải, Atasha Graham, 34 tuổi, người Anh gốc Jamaica, đã sử dụng kỹ thuật nối tóc để làm đẹp suốt 14 năm qua. Tháng 5.2011, Atasha Graham đi khiêu vũ ở một câu lạc bộ, trên đường trở về, cô bất ngờ ngã quỵ và ngưng thở. Mặc dù được gọi cấp cứu ngay nhưng cô đã chết tại bệnh viện.

    Điều tra sơ bộ kết luận có thể Atasha Graham đã bị dị ứng quá nặng với keo nối tóc hoặc chất tẩy để loại bỏ tóc cũ. Trong máu Atasha Graham ghi nhận có chất chỉ thị dị ứng cao gấp 25 lần mức bình thường. Cơ quan điều tra đã loại trừ nguyên nhân ngộ độc từ thực phẩm hay do thuốc, đồng thời cũng không tìm thấy bất thường nào trong các nội tạng của Atasha Graham.

    Tại phiên tòa ở London đầu năm 2012 điều tra nguyên nhân cái chết của Atasha Graham, TS. Michael Heath, nhà nghiên cứu bệnh học, đã cho biết ông từng gặp các trường hợp bị sốc phản vệ khi dùng dung dịch keo nối tóc không an toàn. “Trung bình mỗi năm có từ 10 đến 20 ca tử vong như vậy ở đất nước này, và ở Mỹ còn nhiều hơn. Tôi chứng kiến bốn trường hợp như vậy trong ba tháng gần đây", ông Michael Heath nói. Lý giải của TS. Michael Heath đã được xem là giải đáp hợp lý cho cái chết của Atasha Graham.

    Tuyệt đối không nên nối tóc khi tóc đang bị rụng bệnh lý hoặc da đầu đang có mụn nhọt, gầu ngứa, viêm loét để tránh cho các tình trạng trên càng thêm trầm trọng và khó điều trị.Ảnh: CTV

    Nhiều hệ lụy nguy hiểm từ nối tóc

    Cũng chung nhận định, tai nạn của Atasha Graham không phải hy hữu, TS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Vân, thành viên Viện hàn lâm phẫu thuật thẩm mỹ châu Á Thái Bình Dương (APACS) cho biết tai biến do ảnh hưởng của hóa chất nối tóc cũng từng ghi nhận ở Nhật, Thái Lan… Tại Việt Nam, thống kê tại bệnh viện da liễu TP.HCM cho biết, trung bình mỗi tháng nơi này tiếp nhận khoảng 50 trường hợp đến thăm khám và điều trị do dị ứng mỹ phẩm làm đẹp tóc gây nên (nối tóc, nhuộm tóc, duỗi tóc…), trong đó chiếm phần lớn là các trường hợp bị dị ứng với mỹ phẩm, viêm da đầu, viêm nang lông, rụng tóc… do hóa chất làm đẹp tóc.

    “Nối tóc không hoàn toàn an toàn như nhiều người nghĩ. Tuy đáp ứng tốt nhu cầu làm đẹp nhanh chóng của nhiều chị em nhưng nối tóc cũng mang lại nhiều hệ lụy. Các mối nối nổi cộm lên sẽ gây khó chịu cho da đầu. Da đầu có thể bị chằng đau khi gội đầu hoặc chải tóc. Chưa kể kỹ thuật nối tóc có những tác động thô bạo đến cấu trúc tự nhiên của tóc, làm tóc thật nhanh yếu đi”, BS. Vân nói.

    Theo TS-BS. Trần Ngọc Ánh (Giảng viên bộ môn da liễu, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), tóc là một bộ phận rất nhạy cảm, dễ bị rụng, gàu, nấm... khi dùng dầu gội hoặc các hóa chất khác không hợp hay giữ vệ sinh da đầu không tốt.

    “Xét về tác động vật lý, nối tóc có thể gây chấn thương sợi tóc, làm cho tóc yếu đi và rụng nhiều hơn mức độ cho phép do bị giằng co quá nhiều. Trung bình mỗi ngày tóc rụng từ 20 đến 30 sợi, trong những tép tóc nối cũng sẽ có những sợi rụng, do đó lực của tóc sẽ yếu vì phải gánh lượng tóc nhiều hơn. Về mặt hóa chất, việc dùng keo cũng có thể gây dị ứng, viêm nang lông... Những người có mạch máu da đầu lưu thông không tốt hoặc bị bệnh viêm mũi, viêm xoang... bệnh sẽ nặng hơn”, BS. Ánh lưu ý.

     

    Cũng theo BS. Ánh, việc nối tóc sẽ khiến nhiều người gội đầu ít hơn bình thường, “như vậy lượng bụi thường trú trên đầu nhiều hơn. Môi trường ẩm hay tại mối nối không sạch, bụi bặm... sẽ tạo điều kiện cho nấm, chí phát sinh và những bệnh nhiễm trùng khác phát triển”, BS. Ánh nói.

    Cân nhắc kỹ lợi hại trước khi làm đẹp

    BS. Vân lưu ý không phải mái tóc nào cũng nối được. Tóc muốn nối phải có chiều dài tối thiểu 10 cm tính từ gốc. Ngoài ra mái tóc ấy cũng không thể quá thưa để có đủ tóc nền mà che phủ mối nối và cũng không thể quá yếu để có thể đeo thêm lọntóc nối vừa dài vừa nặng hơn nó cả chục lần mà không bị gãy rụng. “Tuyệt đối không nên nối tóc khi tóc đang bị rụng bệnh lý hoặc da đầu đang có mụn nhọt, gầu ngứa, viêm loét để tránh cho các tình trạng trên càng thêm trầm trọng và khó điều trị”, BS. Vân nói nói.

    Nhà tạo mẫu tóc Võ Khánh Hoàng (Thẩm mỹ viện Hoàng Gia, TP.HCM) cho biết hiện có nhiều phương pháp nối tóc (Nối bấm chì, nối thắt bím, nối chỉ, nối keo, nối bằng sáp hoặc silicon kết hợp ống nhựa bọc mối nối lại…), mỗi phương pháp đều có những rủi ro riêng nên người làm đẹp cần tư vấn kỹ với các chuyên gia và suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định.

    “Thận trọng với các dịch vụ nối tóc giả rẻ, bình dân vì “tiền nào của nấy”. Hóa chất dùng nối tóc an toàn, chất lượng tốt, thường đắt đỏ. Sử dụng keo nối kém chất lượng thì sau một thời gian tóc sẽ bị phồng tại các mối nối, ảnh hưởng đến tóc thật và da đầu. Còn với nối bằng kẹp chì, khi sử dụng các hóa chất chăm sóc tóc như hấp nóng hay ép, chì sẽ nóng chảy, gây nguy hiểm cho da đầu...

     

    Tóc nối cần sự chăm sóc đặt biệt, nếu không sẽ gặp phải nhiều vấn đề rắc rối như nấm tóc, rối tóc, rụng tóc. Khi đã nối tóc, từ việc gội đầu, tạo kiểu và ngay cả việc đơn giản như chải tóc đều mất thời gian hơn bình thường. Chăm sóc tóc nối là một việc đòi hỏi nhiều thời gian, nếu là người không đủ thời gian và kiên nhẫn để chăm sóc tóc thì tốt nhất đừng nghĩ đến việc nối tóc”, ông Hoàng khuyên.

     
     

    End of content

    Không có tin nào tiếp theo

    Cột tin quảng cáo

    Có thể bạn quan tâm