Thị trường

Đủng đỉnh như... làm nông

Theo đánh giá mới đây của Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), năng suất lao động của ngành nông nghiệp đang có xu hướng chững lại, hiện chỉ bằng 1/3 so với năng suất chung của cả nước và thấp hơn cả năng suất lao động của Lào và Campuchia.
Nông nghiệp của chúng ta chưa được đầu tư tương xứng, trong khi đó chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
 
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, để tăng NSLĐ trong nông nghiệp chúng ta cần đi sâu áp dụng khoa học công nghệ. Nhưng liệu như vậy đã đủ?
 
Nhiều nhưng chưa “khỏe”
 
Theo ông Lưu Đức Khải- Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ - CIEM), nông nghiệp VN hiện nay vẫn là khu vực giải quyết việc làm cho gần 47% lực lượng lao động. Tuy nhiên, thực tế năng suất lao động trong ngành nông nghiệp đang thấp hơn các ngành nghề khác gấp nhiều lần và thấp nhất trong khu vực. Trong năm 2014, năng suất lao động khu vực công nghiệp gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp - ông Khải chia sẻ.
 
Thực tế trên, có nhiều nguyên nhân, song cơ bản, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện IPSARD, nông nghiệp của chúng ta chưa được đầu tư tương xứng. trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
 
Cụ thể, lao động trong khu vực nông nghiệp của VN hiện vẫn còn khá đông (chiếm khoảng hơn 60%), trong khi các nguồn lực khác dành cho sản xuất nông nghiệp lại rất hạn chế (như: đất đai, vốn, khoa học công nghệ…) và bị huy động sang các ngành kinh tế khác phục vụ cho mục tiêu CNH- HĐH và phát triển đô thị, thì lao động trong nông nghiệp đông đảo lại trở thành bất lợi cho tăng năng suất.
 
Bên cạnh đó, chất lượng lao động nông nghiệp nhiều nhưng chưa “khỏe”, bởi lẽ, theo báo cáo điều tra lao động việc làm thì tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn chỉ đạt 11,2% so với 33,7% ở khu vực đô thị.
 
Trong khi, hầu hết, lao động nông nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 88,5%) so với 66,1% ở khu vực đô thị. Quy mô sản xuất nông nghiệp lại nhỏ, manh mún, chủ yếu là sản xuất theo phương thức nông hộ, thiếu tính quy mô, với kỹ thuật và công nghệ lạc hậu. Chính những thực tế trên, đã khiến cho năng suất lao động trong ngành nông nghiệp luôn luôn thấp hơn so với các ngành nghề khác và thấp nhất trong khu vực - ông Tuấn bày tỏ quan điểm.
 
Đẩy mạnh quy hoạch nông thôn gắn với đô thị
 
Tuy nhiên, đứng dưới góc độ là một chuyên gia về lao động, TS Nguyễn Lê Minh - Cố vấn cho Tổ chức ILO tại VN cho rằng “đã là manh mún, nhỏ bé thì sẽ rất khó để cải thiện NSLĐ người nông dân. Một ví dụ tại các tỉnh phía Bắc, nếu như năm 1994 có tới 71% số hộ có quỹ ruộng đất dưới 0,5ha thì sau 17 năm (đến năm 2011) vẫn còn tới 60% số hộ canh tác dưới 0,5ha. Đây là mức giảm rất chậm chạp thể hiện quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn gặp rất nhiều khó khăn.
 
Điều này đã và đang hạn chế ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng như khai thác lợi thế theo quy mô. Hay quy mô diện tích của hộ trồng lúa ở nước ta đang còn rất nhỏ (85% dưới 0,5 ha, trong đó 50% sử dụng dưới 0,2 ha) nên sản xuất lúa vẫn trong tình trạng nhỏ lẻ, việc phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại không ít nơi sẽ gặp khó khăn hơn những vùng có diện tích lớn.
 
Do vậy, để giải bài toán NSLĐ trong nông nghiệp, theo ông Minh, không còn cách nào khác là phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng. Cụ thể: chúng ta cần mở rộng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó có cụm công nghiệp chế biến ở nông thôn như các cụm nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm rau quả, cá tra, tôm, chè, cà phê, điều... ở các vùng nguyên liệu, đặc biệt khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để giảm bớt lao động thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ.
 
Song song với đó là phát triển các khu vực dịch vụ cơ giới hoá nông nghiệp và dịch vụ thương mại cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật để hỗ trợ đầu vào cho bà con. Và cuối cùng là huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, bởi lẽ, thực tế hiện nay, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đang có chiều hướng giảm dần (cụ thể, đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,5% vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2003, năm 2013 giảm xuống còn 5,3%) - TS Minh chia sẻ.
 

Đứng dưới góc độ DN, ông Nguyễn Hồng Phong TGĐ Cty Cổ phần phân bón Tiến Nông - Thanh Hóa cho rằng, việc nâng cao NSLĐ trong ngành NN cần sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các ngành, trong đó, ngành NN đóng vai trò quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao giá sản phẩm, ngành lao động giữ vai trò đào tạo nghề cho từng lĩnh vực trong sản xuất, chế biến các sản phẩm NN, ngân hàng hỗ trợ về vốn cho quá trình xây dựng các cơ sở chế biến, sản xuất…

 

“Tôi cho rằng, thật sự đã đến lúc chúng ta phải giải phóng và phát huy cao các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng cách đẩy nhanh và sớm hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quy hoạch đô thị về nông thôn, quy hoạch sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở, căn cứ cho xây dựng và thực hiện nhanh các chương trình phát triển nông thôn” - vị đại diện này chia sẻ. 

Theo DDDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo