Tin tức - Sự kiện

Gạc Ma - khắc khoải một nỗi đau: Kỷ vật ấy vẫn vang lên “bài ca giữ nước”

Kỷ vật, nhất là kỷ vật của liệt sĩ thì bao giờ chúng cũng “biết nói”. Song, hơn thế, các liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm và Trần Văn Phòng ở Thái Bình còn để lại vợ trẻ, con thơ, với kỷ vật biết cất lời ái quốc theo đúng nghĩa đen: Ấy là hai chiếc radio 26 năm qua chưa bao giờ trục trặc. Kỷ vật “biết nói” của liệt sĩ Trần Văn Phòng.

“Con đi chuyến này, không biết biển khơi thăm thẳm sẽ ra sao, cứ để cái đài này ở lại nhà cho bố nghe” - ông Trần Văn Thiêm, 84 tuổi - cụ thân sinh của liệt sĩ Phòng - nhắc lại lời con, rồi tiện tay vặn nút mở radio. 

Tất cả chúng tôi lặng đi, như có một sự xui khiến màu nhiệm nào đó của trời đất, như cơ duyên thế nào đó, làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam ở thời điểm đó lập tức vang lên, đúng vào khoảnh khắc các chiến sĩ hải quân nói về hải đảo, về “bài ca giữ nước” còn nóng hổi từ xửa xưa...
 
Tình cờ đến khó tin
 
Hôm ấy là sáng 1.7, chúng tôi mang quà của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến thăm từng gia đình, thắp nhang cho từng liệt sĩ. Tại thôn Dương Liễu 2 (xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), anh Tiến, anh Toàn, 2 cán bộ xã và chúng tôi, nghe chiếc đài của liệt sĩ Trần Văn Phòng nói về sự hy sinh và biển đảo, tất cả cùng buột miệng hỏi cụ Thiêm “cụ cài sẵn băng đĩa nói về Trường Sa, Hoàng Sa trong này phải không ạ?”. 
 
Cụ Thiêm ngạc nhiên: “Nó là radio Na-ti-o-nan, có băng đĩa gì đâu nhỉ. Đài tiếng nói Việt Nam đang “nói” đấy chứ! 26 năm rồi, đêm nào tôi cũng vẫn nghe mà”. Một sự tình cờ đến khó tin.
 
Sinh năm 1963, trong một gia đình 8 anh em, trong đó có tới 6 người là bộ đội, Trần Văn Phòng cũng sớm nhập ngũ rồi học ở ngôi trường danh tiếng dành cho sĩ quan hải quân. Công tác ở trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân, từ đầu những năm 1980, anh Phòng đẹp trai, oai phong, là niềm tự hào của cả gia đình. 
 
Bà Bùi Thị Mùi - 85 tuổi, mẹ liệt sĩ Phòng - nhớ lại: “Trước khi đi ra Trường Sa công tác “vì nhiệm vụ đặc biệt”, hình như nó có linh cảm rằng có thể không bao giờ còn gặp lại cha mẹ hay sao ấy. Nó về, tặng bố cái đài nó rất quý, bấy giờ là cả đống tiền đấy. Nó mua áo gụ tặng tôi rồi nói chuyện rất cảm động”. Chị Huệ - con dâu bà Mùi - bổ sung: “Chú ấy tặng áo cho bà, rồi quay ra tươi cười bảo các chị dâu, em nợ quà các chị đấy nhé. Chúng tôi còn đùa, gớm 5 bà chị dâu thế này thì chú sẽ phải mệt vì quà đấy. Ai ngờ đó là lần gặp cuối”.
 
Tiếng khóc rấm rứt khắp nhà, bà Mùi vẫn dấm dẳng: “Bao đêm tôi không ngủ được, khóc đến mờ cả mắt. Ngẫm đau xót cho thằng bé tình cảm nhất, hoạt bát nhất nhà ấy. Lúc nào nó cũng tươi cười nhé. Nó đi bộ đội vào thời bình, hết đánh Pháp, hết đánh Mỹ, hết cả đánh Tàu năm 1979 rồi nhỉ. Thế mà ai ngờ, thời bình năm 1988, nó hy sinh ở tít ngoài hòn đảo xa xôi ấy”. 
 
Tai nặng đặc, nói rõ nhưng không nghe rõ chúng tôi nói gì, bà Mùi bật cái đài oang oang mà vẫn nghĩ là người “nhà đài” người ta chưa “ra nhời”. Ông Thiêm nói thật to: “Đài nó nói rồi bà ơi” “điếc đã 3 năm rồi, càng ngày càng điếc”, rồi cả hai gạt nước mắt cười gượng. “Nó nằm mấy chục năm ngoài hòn đảo ấy, dưới đáy biển lạnh ấy, rồi người ta mới mặc quần áo người nhái lặn, bơi vào khoang tàu đắm, mang được mấy mảnh xương của nó về. Nó mới về quê được vài năm nay thôi. Ông nhà tôi lại được nhà nước mời đi lên Hà Nội, gặp lãnh đạo và thăm đơn vị của con, nhưng lần này là đi nhận xương cốt của nó”. 
 
“Lúc nghe đài người ta đọc oang oang trên loa ngoài cây cột điện, có danh sách Trần Văn Phòng hy sinh trên đảo Gạc Ma, bà nhà tôi ngất xỉu, tôi thì thấy người nó cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Nó mới cưới vợ xong, vợ trẻ, con gái còn chưa kịp chào đời. Mấy chục người dưới đáy biển khơi, mà mấy mươi năm mới chỉ tìm được có vài mảnh xương tàn của 8 con người thôi. Có nỗi đau nào hơn thế không?”, chợt giọng ông Thiêm trở nên cay xót.
 
Mong các anh ngậm cười nơi chín suối
 
Xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà Nguyễn Thị Dư - mẫu thân của liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm - dù ở tuổi 90 tuổi, qua đủ 10 lần sinh nở trong nghèo đói, đến nay, giọng vẫn tròn vành và vô cùng khúc chiết. “Không phải nó chết rồi thì tôi mới nói thế đâu, nhưng thằng Tâm là đứa tuyệt vời nhất của tôi. Đi chiến trường vệ quốc là vinh quang, thì có sống có chết, nhưng thử hỏi lòng mẹ làm sao không đau được? Sau mấy chục năm, người ta tìm thấy di cốt con tôi mang về mai táng ở nghĩa trang địa phương, giờ tôi chết cũng “phấn khởi” được rồi đấy”.
 
Cô giáo Phan Thị Quý - vợ của liệt sỹ Tâm - đã khóc ngay từ khi chúng tôi ngỏ ý đến thắp nhang cho người quá cố. Giấy khen, huy chương, rồi thư chồng viết tay trên giấy nâu đen thời cũ, cô giữ y nguyên cả. Có lá thư chỉ đến tay cô Quý trước vài ngày so với thời điểm anh ra Gạc Ma và hy sinh. 
 
Thư nào cũng một mực “em phải chăm hai con ăn học cẩn thận, em là cô giáo, chịu khó rèn cặp các con, có chữ là có tất cả”. “Anh ấy đi suốt 1 năm ròng của năm 1987 mà không về phép ngày nào, anh bảo, để sang năm “cộng phép” vào anh về nhân thể. Mẹ con tôi nuôi rất nhiều gà, cứ để dành đến tết, thể nào anh ấy cũng được về. Và sẽ mở tiệc. Tết, anh viết thư rằng có nhiệm vụ khẩn cấp ngoài Trường Sa. Mẹ con tôi chờ đợi, chờ mãi đã 26 năm. Các con giờ đều tốt nghiệp đại học, học lên cao học, đứa dạy ở huyện Vũ Thư, đứa làm cho ngân hàng ACB ngoài Hà Nội. Ở “dưới ấy”, anh Tâm chắc cũng sẽ ngậm cười vì tâm nguyện nuôi con học nên người ngày ấy.
 
Liệt sĩ Tâm để lại nhiều kỷ vật cho gia đình, trước lúc lên đường làm nhiệm vụ vinh quang và nguy hiểm kia. Một cái đài Sông Hồng, một đồng hồ đeo tay, cả cái ca uống nước thân thương của một thời. Kỷ vật biết nói theo đúng nghĩa đen kia, giờ đây con gái liệt sĩ mang theo bên mình để nghe Đài tiếng nói Việt Nam mỗi ngày. 
 
Năm 1988, cũng qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, cô giáo Quý đang chào cờ giữa sân trường cấp 2 vào một ngày đầu tuần, thì vang lên bản danh sách những người ngã xuống trong hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. “Chồng tôi đứng thứ 53 trong bản danh sách. Tôi ngất xỉu, cảm giác như mình rơi tự do từ vách đá nghìn mét xuống vực thẳm. Nửa ngồi nửa nằm ở cái bậc bước lên bể nước ngoài trường. Mọi người bảo, có nhiều người bị Trung Quốc bắt cóc sang bên kia chưa trao trả, biết đâu anh Tâm chả nằm trong số đó, vì thế mà mãi rồi nhà nước chưa báo tử... Tôi hơi hy vọng, lại có người bảo, đừng lo lắng, đừng đau đớn quá, mà anh ấy còn sống đâu đó ngoài đại dương hay bên phía những kẻ bắt cóc, anh ấy lại nóng ruột không làm được việc lớn”.
 
Tuy thế, cuối cùng thì cô giáo trẻ cũng đã lờ mờ hiểu, lá thư anh gửi kia là lá thư cuối cùng. Thương chồng, thương con, cô giáo Quý đã mua một cái quán lợp tranh ở xóm bên, tranh thủ bao ngày tháng xe đất về lấp các khoảnh ao để có mặt bằng dựng một căn nhà nhỏ, một lòng chăm sóc hai giọt máu buốt xót còn lại của người chồng anh hùng. 
 
Gần đây, đồng đội ở ngành hải quân đến thăm, họ bảo “nhà của vợ con sĩ quan hải quân sao tranh tre lụp xụp thế”, họ đã hỗ trợ 50 triệu đồng để chỗ tưởng nhớ anh Nguyễn Minh Tâm được khang trang như hôm nay. Đồng đội cũng kể, anh Tâm đã can trường đứng trên nóc tàu quan sát và chỉnh lại lá cờ tổ quốc, rồi đạn của kẻ thù bắn vào vai anh.
 
Đêm ấy, trước khi rời Thái Bình, đi dọc con đê lầy thụt, chúng tôi vào tặng quà và thắp nhang cho liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Chức ở xã Canh Tân. Đồng đội và xã hội quan tâm lắm, nhưng không hiểu sao căn nhà hiu quạnh toàn bát nhang và bàn thờ ấy vẫn cho tôi cảm giác tủi phận thay cho anh Chức. 
 
Khác với anh Phòng, anh Chức ra đi, khi chưa có vợ con gì, bố mẹ già khuất núi, chỉ còn bà chị Trần Thị Khánh bị bệnh lý tâm thần cứ ngẩn ngơ ra vào. Biết hương khói ra sao? Chị Khánh đã bớt cảnh nhảy xuống ao tát nước bắt cá, khóc cười, soi gương vô hạn độ rồi, nhưng thử hỏi làm sao tránh được cảnh khói lạnh hương tàn? Lực lượng hải quân cũng đang xúc tiến dựng lại căn nhà ấy, căn nhà có những viên gạch kia do chính tay anh Chức đóng trước khi quả cảm ra với đại dương mãi mãi.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo