Tin tức - Sự kiện

Giá điện tăng làm DN sản xuất bao bì, sắt thép thêm khó

Các doanh nghiệp sản xuất ngành bao bì, sắt thép, sản xuất nước sạch … cho rằng giá điện tăng 5% sẽ làm đội chi phí sản xuất cao hơn và đẩy thêm khó khăn cho nhiều ngành sản xuất khác.

(TBKTSG) Theo ông Lê Đăng Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Liksin ở quận 6, TPHCM chuyên sản xuất bao bì, việc tăng giá điện hiện nay sẽ làm đội chi phí sản xuất trong bối cảnh ngành bao bì đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang rất khó khăn.

Ông Quang cho biết do cạnh tranh để bán được hàng và lấy được đơn hàng xuất khẩu nên doanh nghiệp sản xuất bao bì liên tục giảm giá bán từ đầu năm đến nay. Giá bao bì đóng gói hàng thủy sản giảm đến 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều loại bao bì cho các mặt hàng khác cũng có mức giảm mạnh.

“Chi phí điện trong giá thành sản phẩm bao bì chiếm khoảng 5%, nếu tăng giá điện thì giá thành sẽ tăng, trong khi giá bán bao bì không tăng thì lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm, chưa nói đến có doanh nghiệp bị lỗ”, ông Quang cho biết.

Từ ngày 1/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá điện thêm 71,85 đồng/kWh (tăng 5%), đẩy giá điện bình quân từ mức 1.437 đồng/kWh lên 1.508,85 đồng/kWh. EVN giải thích việc tăng giá điện để bù vào chi phí phát điện tăng cao, đặc biệt là giá than tăng cao từ giữa tháng 4 vừa qua.

Với chi phí sản xuất tăng thêm, ông Quang dự báo rằng không chỉ ngành bao bì mà nhiều ngành sản xuất khác trong các tháng còn lại của năm nay còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn.

Hiện tại Liksin có 3 nhà máy sản xuất bao bì với tổng sản lượng gần 50 triệu m2 bao bì nhựa và 15 tỉ trang in bao bì giấy trong năm 2013 với kế hoạch doanh thu năm nay ước đạt 1.100 tỉ đồng.

Ông Quang cho biết điều đáng lo hơn chính là việc đã có một số khách hàng nước ngoài của Liksin “rục rịch” điều chỉnh giảm lượng hàng mua từ Việt Nam, chuyển sang đặt hàng bao bì các nước khác khu vực Đông Nam Á.

Ông Bạch Vũ Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết chi phí điện trong ngành sản xuất sạch là rất lớn, để sản xuất một m3 nước sạch phải mất gần 0,4 kWh điện.

Thế nên giá điện tiếp tục tăng 5% từ ngày 1/8 này sẽ làm đội chi phí sản xuất của các nhà máy sản xuất nước thuộc Sawaco lên rất cao.

Ông Hải cho hay Sawaco đang soạn thảo lộ trình tăng giá nước cho giai đoạn từ năm 2014 đến 2018. Trong đó sẽ tính toán lại chi phí điện năng tăng cao để đưa vào giá nước thời gian tới. Tuy nhiên, Sawaco sẽ cân nhắc mức điều chỉnh giá nước phù hợp, tránh không tăng cao đột biến.

Trước đó, UBND thành phố đã duyệt lộ trình tăng giá nước của thành phố mỗi năm tăng 10% trong giai đoạn 2010 - 2013 cho nên việc tăng giá điện bất ngờ lần này sẽ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Sawaco từ nay đến cuối năm.

Trong khi đó, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát lại cho rằng chuyện tăng giá điện thêm 5% của Tập đoàn Điện lực Việt Nam không phải là điều ngạc nhiên bởi thực ra lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ phê duyệt rồi, bản thân doanh nghiệp ngành thép như Hòa Phát không có gì phải “kêu ca” nữa.

“Mới đây ngành điện tính toán áp giá điện riêng cho sắt thép, xi măng nhưng nay ngành điện không thực hiện, lần này giá điện tăng đều cho các ngành sản xuất, không áp riêng cho thép và xi măng là mừng rồi!”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, giá điện chiếm khoảng 3% trong cơ cấu giá thành sản xuất của thép Hòa Phát nên giá điện tăng thêm 5% mặc dù có làm chi phí đội thêm, nhưng sắp tới Hòa Phát vẫn trụ được, sẽ cố không tăng giá bán sản phẩm.

 

 

Văn Nam

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo