Thị trường

Giữ giấy tờ gốc xe ôtô thế chấp: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

(DNVN) - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc để bên đi thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ chính, thì họ có thể chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, cầm đồ, nên các ngân hàng thương mại khi cho vay khó kiểm soát, dẫn đến nợ xấu phát sinh.

Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 3/8, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã lên tiếng về quy định giữ giấy tờ gốc xe ôtô thế chấp đang gây khó cho chủ phương tiện.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, liên quan đến phương tiện giao thông, tại Nghị định 163 có quy định khi thế chấp, bên đi thế chấp vẫn được quyền nắm giữ giấy tờ các tài sản này, trong khi đó Bộ luật Dân sự cho rằng việc thế chấp tài sản để vay, còn bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ phương tiện đó nếu có trong thoả thuận vay mượn giữa 2 bên.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời báo chí.

Bà Hồng cho biết, phía Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy được vấn đề khó khăn, nếu bên đi thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ chính, họ có thể chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, cầm đồ, nên các ngân hàng thương mại khi cho vay khó kiểm soát, dẫn đến nợ xấu phát sinh.

"Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Công an, Tư pháp cho phép người điều khiển giao thông được dùng bản sao, có xác nhận của tổ chức tín dụng và đề nghị Bộ Công an không xử phạt. Hiện các cơ quan liên quan đang phối hợp xử lý vướng mắc này", bà Hồng cho biết.

Như thông tin chúng tôi đã đưa, hiện nay, nhu cầu sử dụng ôtô trong sinh hoạt và trong kinh doanh của người dân gần đây tăng cao nhất là tại các thành phố lớn khi xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh, khiến thị trường cho vay mua ôtô phát triển rất mạnh. Người mua có thể vay tiền ngân hàng hoặc trả góp nhưng phía ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc và cung cấp cho chủ phương tiện bản photo có công chứng bằng các thoả thuận dân sự.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông đang khiến nhiều chủ xe lo lắng, thậm chí có ôtô cũng không dám đi ra đường bởi trước đó khi vay tiền ngân hàng mua xe trả góp, họ đều bị ngân hàng bắt thế chấp giấy đăng ký xe bản chính.

Để tháo gỡ các vướng trên, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gửi công văn kiến nghị lên 3 Bộ (Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông Vận tải), trong đó đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông chấp nhận và không xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp khi cho vay.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo