Tin tức - Sự kiện

Hai nhiệm vụ lớn của ASEAN trong năm nay

Tại Hội nghị Bộ trưởng hẹp ASEAN lần thứ 21 vừa diễn ra tại Malaysia, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN nhất trí hoàn thành xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay.

 

Việt Nam là nước top đầu thực hiện AEC

Trong số các nước thành viên ASEAN, Việt Nam thuộc top các nước đứng đầu về tỷ lệ hoàn thành các cam kết xây dựng Cộng đồng chung ASEAN. Về tiến trình xây dựng Cộng đồng AEC các Bộ trưởng đánh giá, việc triển khai đang tiến triển đều đặn, đúng với lộ trình hình thành Cộng đồng vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong khi tỷ lệ hoàn thành các cam kết chung của các nước thành viên ASEAN là 82% thì Việt Nam là một trong những thành viên dẫn đầu, chỉ đứng sau Singapore với mức độ hoàn thành trên 90%.

“Mặc dù trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN còn khá lớn, nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam, chúng ta đã khắc phục khó khăn, vượt qua những thách thức và phấn đấu đạt tỷ lệ cao trong cam kết thực hiện. Đây cũng chính là minh chứng khẳng định chủ trương, chủ động hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Khi AEC có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam xuất sang các nước ASEAN về cơ bản sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu từ các nước này. Đối với nhập khẩu, Việt Nam sẽ phải hoàn thành việc đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với khoảng 93% dòng thuế, 7% còn lại được linh hoạt đến năm 2018, đối với các mặt hàng nhạy cảm như đường, muối, trứng gia cầm và lá thuốc lá.

Với một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, GDP hàng năm khoảng 3.000 tỉ USD và cơ hội phát triển bình đẳng cho các doanh nghiệp. AEC được kỳ vọng là bước tiến vượt bậc về hội nhập và phát triển kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á.

RCEP sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm


RCEP đã trải qua 7 vòng đàm phán, hiện vẫn còn một số vướng mắc trong 3 lĩnh vực là hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Tại hội nghị hẹp nói trên, các Bộ trưởng đang tích cực thúc giục các bên tiếp tục đưa ra các giải pháp thực tiễn, đáng tin cậy và được tất cả các bên chấp nhận với tất cả các bên và phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu đàm phán RCEP.

Về cơ bản, Hiệp định RCEP hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực nhờ giảm mức thuế nhập khẩu và cộng gộp chi phí xuất xứ nguyên liệu nhập khẩu.

Tuy nhiên, để chuẩn bị tốt cho AEC, theo khuyến cáo từ lãnh đạo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chú trọng nghiên cứu thị trường, xây dựng năng lực để có thể tham gia các chuỗi sản xuất khu vực, phát huy được lợi thế so sánh của mình. Để làm được việc này thì các DN cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về RCEP (cũng như AEC), nắm vững các nội dung cam kết, ưu đãi trong các Hiệp định liên quan, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để có thể chuẩn bị năng lực, từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm đối mặt với thách thức cạnh tranh, khai thác các cơ hội mà RCEP và AEC đem lại.

Hiện 16 nước thành viên đàm phán RCEP (ASEAN+6) đều xác định mục tiêu quan trọng, bày tỏ mong muốn kết thúc đàm phán RCEP vào cuối năm nay, thông qua việc tích cực tham gia đàm phán theo ba lĩnh vực: Nhóm hàng hóa – do Singapore đảm trách; Nhóm dịch vụ do Malaysia đảm nhận và Nhóm đầu tư do Việt Nam phụ trách.

Cùng với việc cộng đồng AEC được thực thi, RCEP được kỳ vọng là một Hiệp định FTA khu vực nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực trên cơ sở tổng hợp và tăng cường các cam kết FTA ASEAN+1.

Khối các nước tham gia RCEP đang chiếm 50% dân số, khoảng 1/3 tổng lượng thương mại và GDP toàn cầu. Giới phân tích dự tính, RCEP sẽ trở thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bên cạnh WTO và là một đối trọng đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đang trong quá trình đàm phán.

Theo Báo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo