Tin tức - Sự kiện

Không phát hiện chất cấm trong thủy sản nuôi

Theo Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ, hiện các loại thủy sản chủ lực đang được nuôi ở 18 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL là cá tra, tôm... hầu như không bị phát hiện kháng sinh cấm.

(TBKTSG) Trong số 357 mẫu kiểm nghiệm mà cơ quan này lấy ở các địa phương đã không phát hiện dư lượng các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng như chloramphenicol, nitrofurans, enroflocaxin, trifluralin…

Điều này phần nào được phản ánh bằng việc trong mấy tháng qua số lượng doanh nghiệp xuất khẩu tôm đi Nhật Bản có lô hàng bị phát hiện kháng sinh cấm đã giảm hơn so với năm 2012.

Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồi tháng 1/2013, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật bị phát hiện có hàm lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép, tuy nhiên, sau đó, số lượng doanh nghiệp bị phát hiện đã giảm xuống đáng kể.

Theo Nafiqad, số mẫu tôm, cá tra không bị phát hiện các kháng sinh cấm khi vào thị trường Nhật Bản cũng có thể là do tác động của việc sửa đổi Thông tư 55/201/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản, trong đó, có đưa ra điều khoản để lấy ý kiến là nếu doanh nghiệp có 4 lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong vòng 6 tháng sẽ bị cấm xuất khẩu.

Ngoài ra, trước áp lực chất kháng sinh cấm, trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp thủy sản đưa vào điều khoản không sử dụng/không phát hiện chất kháng sinh trong tôm, cá tra vào hợp đồng mua thủy sản.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, hơn hai năm qua thông tin về chất kháng sinh cấm không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà cả người nuôi tôm, do đó, người nuôi tôm đã ý thức được vấn đề sử dụng các loại kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.

 

 

Ngọc Hùng

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo