Thị trường

Cơ hội cho doanh nghiệp logistics và giáo dục khi Việt Nam tham gia RCEP

DNVN - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có những đối thủ cực kỳ mạnh, thậm chí là mạnh nhất thế giới trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, giáo dục và nhiều dịch vụ khác. Doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng cho tương lai mà trong đó có cả cơ hội và thách thức.

Kinh tế và doanh nghiệp hưởng lợi gì khi Việt Nam tham gia RCEP? / Điều chỉnh Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023

RCEP là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và 5 đối tác lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm 55% tổng thương mại của Việt Nam năm 2020.
Được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Tại Hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – Những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong RCEP, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với lĩnh vực dịch vụ cũng chỉ tương đương với các các cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết trong khuôn khổ ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương).
Tức là tương đương với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định ASEAN Trung Quốc, ASEAN Nhật Bản, ASEAN Hàn Quốc. Về cơ bản không có bước đột phá về mở cửa thị trường dịch vụ nhưng hiệp định này mở ra cơ hội rất lớn về xuất khẩu và phát triển các chuỗi cung ứng mới, đa dạng hóa nguồn cung.
"Vì vậy, chúng tôi hi vọng ở lợi ích lâu dài là khối lượng xuất nhập khẩu của các thành viên nội khối RCEP sẽ phát triển dần dần. Hết thời gian lộ trình giảm thuế sau 10 - 15 năm sẽ tạo đà phát triển lớn, theo đó sẽ thay đổi hoàn toàn cấu trúc xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trong thời gian tới, có thể hình dung có rất nhiều nhu cầu cho ngành dịch vụ logistics", bà Nga nhận định.
Đối với lĩnh vực giáo dục, do Việt Nam không có cam kết đột phá gì về mở cửa thị trường cũng như các nước khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, hình thức giáo dục online đã trở nên rất phổ biến, và đây cũng là xu hướng mà tất cả các nhà cung cấp dịch vụ trên thế giới khai thác tối đa.
Trước đây, Việt Nam cũng ít nghĩ đến hình thức học từ xa, học online nhưng hình thức này giờ đã trở nên khá phổ biến. Thực tế từ năm 2020 đến nay, nhiều nước trên thế giới đã khai thác rất tốt mô hình này.
"Tôi hi vọng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục của Việt Nam sẽ tận dụng và sẽ tìm ra nhiều cơ hội trong dịch vụ giáo dục trực tuyến, không chỉ trong thời điểm hiện nay mà còn cả trong tương lai. Thực tế cho thấy, nhiêu điều tưởng không làm được nhưng hóa ra chúng ta vẫn có thể thực hiện rất hiệu quả ngay cả trong bối cảnh khó khăn của đại dịch", bà Nga chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho biết, trong tổng thể nói chung của hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chúng ta đang kỳ vọng sau RCEP cũng như với tác động cộng hưởng từ các hiệp định khác, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Đặc biệt khi chúng ta có những ưu thế nhất định đối với việc khôi phục sản xuất sau đại dịch và trong cạnh tranh với những đối thủ khác cũng ở trong hoàn cảnh khó khăn chung của đại dịch. Do vậy, cơ hội với Việt Nam là lớn.
"Với việc sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng sau những hỗ trợ của các hiệp định, những dịch vụ phục vụ cho các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sẽ tăng trưởng. Và chúng tôi kỳ vọng các dịch vụ như logistics, tài chính, giáo dục... phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thích ứng và tăng trưởng. Đây là điều mà các DN cũng rất cần chú ý", bà Trang nhìn nhận.
Mặc dù vậy, bên cạnh cơ hội là khó khăn. Xét trong lĩnh vực dịch vụ, dù Việt Nam không có cam kết mở cửa thêm nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc thì các hoạt động phục vụ cũng sẽ phát triển và đầu tư vào những dịch vụ này cũng sẽ tăng lên.
"Trong RCEP có những đối thủ cực kỳ mạnh, thậm chí là mạnh nhất thế giới trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, giáo dục và nhiều dịch vụ khác. Chính vì thế, các DN Việt Nam cũng phải sẵn sàng cho một tương lai mà trong đó cơ hội rất nhiều nhưng thách thức trong cạnh tranh, đặc biệt từ những đối thủ mạnh trong RCEP cũng không ít. Đây là điều mà các DN không thể bỏ qua", bà Trang khuyến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm