Những con số kinh tế ấn tượng tháng 10 và 10 tháng năm 2021
Minh bạch nguồn gốc thực phẩm để tạo niềm tin với người tiêu dùng / Siết chặt quy định an toàn thực phẩm nhập khẩu, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính
Trong 2 năm qua, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 kéo dài gần nửa năm đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, những con số thống kê kinh tế 10 tháng qua đã cho thấy những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và ở mọi cấp, mọi ngành.
Theo báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm nay, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam tiếp tục được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp.
Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81%. Đây là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất kể từ năm 2016. Dự kiến năm nay sẽ chỉ tăng ở mức 2%.
Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 15,8% so với cùng kỳ, vốn thực hiện đạt trên 15 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đạt gần 268 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về cân đối ngân sách, tính đến ngày 31/10, thu ngân sách đã đạt 91%, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến thu ngân sách cả năm sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Riêng trong tháng 10, cả nước xuất siêu 2,85 tỷ USD giúp cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng đã xuất siêu trở lại.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phục hồi, tăng 6,9% so với tháng trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 111,2% về số lượng, tăng 73,9% về vốn.
Vận tải hành khách liên tỉnh và hàng không được nối lại; một số địa phương bước đầu đã mở cửa lại du lịch nội địa.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đạt gần 268 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.
Xuất siêu đạt mức kỷ lục trong tháng 10
Ngay sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách thì sang tháng 10 xuất khẩu đã xác lập mức kỷ lục mới khi xuất siêu đạt tới 2,85 tỷ USD. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã phục hồi tốt sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Da giày là một trong những ngành tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Tháng 10 vừa qua, xuất khẩu giày dép các loại đã đạt kim ngạch hơn 930 triệu USD, tăng gần 38% so với tháng 9.
Hiệp hội Da Giày túi xách Việt Nam cho biết, kể từ khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, các địa phương trên cả nước đã có những hướng dẫn cụ thể để các nhà máy ổn định sản xuất.
Trong tháng 10 vừa qua, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có xu hướng phục hồi nhanh hơn khối doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh ngành da giày thì thuỷ sản, dệt may và gỗ cũng là những ngành hàng đã phục hồi rất mạnh mẽ. Những ngành này đã lập đỉnh về kim ngạch xuất khẩu, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng cũng rất cao lên đến hơn 40%.
"Tháng 10 đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng 1,7 tỷ USD so với tháng trước tăng 6,2% USD, do đó đã lập lại trạng thái xuất siêu. Qua 10 tháng xuất siêu được 109 triệu USD và với tốc độ này cuối năm sẽ còn xuất siêu với kim ngạch lớn hơn rất nhiều", ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho hay.
Da giày là một trong những ngành tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong tháng 10. Ảnh minh họa.
Những kết quả này cũng đã cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trên cả nước đã thực sự được khơi thông sau khi Nghị quyết 128 được ban hành và các địa phương nới lỏng giãn cách. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 đã tăng gần 7% so với tháng trước. Vận tải hàng hoá cũng đã tăng gần 14%.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê, Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê cho hay: "Xuất siêu tháng 10 khá ấn tượng và sản xuất các lĩnh vực cũng khởi sắc, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, tiến độ tiêm vaccine khả quan cùng với việc Nghị quyết 128 được ban hành kịp thời của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. Cũng nhờ đó, doanh nghiệp trong ngoài nước yên tâm hơn để đầu tư mở rộng sản xuất".
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nhận định cho rằng, đà phục hồi của kinh tế hiện nay sẽ được đẩy mạnh khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục mở cửa thị trường và mở cửa nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu