Dồn hết tiết kiệm buôn quần áo, lỗ nặng phải bán vàng cưới để sắm Tết
Thanh khoản 'nóng' những ngày cận Tết / Nam Định: Chợ quê vắng vẻ những ngày cận Tết Nguyên đán 2021
Ngày 30 Tết, trong khi nhiều người hồ hởi đón đợi một năm mới đến thì chị Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi, ở Chí Linh, Hải Dương) lại ngậm ngùi ôm nỗi buồn. Nhìn đống quần áo vẫn đang chất đống trong nhà mà chị Hoa không khỏi rầu lòng.
Quần áo xả hàng mạnh. |
Vào 25 tuổi chị Hoa vừa lấy chồng, được 1 năm thì chồng chị bị tai nạn mất. Khi ấy, chị mới có bầu được 4 tháng. Sau 1 năm chịu tang chồng xong và nghỉ sinh em bé, người mẹ đơn thân hàng ngày gửi con cho ông bà ngoại để đi làm công nhân may với mức lương 6 triệu đồng.
“Mỗi tháng, mình đưa mẹ đẻ 2 triệu tiền ăn. Còn lại 2 mẹ con chi tiêu dè xẻn thêm 1-2 triệu nữa. Số tiền còn lại thì để dành. Mình để dành gần 3 năm qua thì được khoảng 30 triệu nên muốn tận dụng số tiền để dành này kinh doanh thêm sao cho tiền đẻ ra tiền”, chị Hoa tâm sự.
Trước Tết Nguyên đán hơn 1 tháng, nhận thấy không chỉ các mặt hàng hoa quả, thực phẩm hay vật dụng trang trí tăng cao mà những sản phẩm thiết yếu như quần áo cũng được rất nhiều người quan tâm. Vì thế, bà mẹ trẻ này đã táo bạo lên kế hoạch kinh doanh quần áo bán Tết để kiếm lời.
“Ban đầu mình nghĩ đây là kế hoạch kinh doanh dịp Tết đầy khả thi. Bởi quần áo thì ai cũng cần và muốn mua đồ mới khi Tết đến để đi chơi xuân. Mình liên hệ, tham khảo một vài mối lấy quần áo Tết sỉ, hàng đẹp, kiểu dáng mới bắt mắt và hợp thời trang. Mình đã tìm được 2 mối và đặt lấy một số lượng lớn quần áo thời trang thu đông và cả mấy chục bộ áo dài cách tân đẹp. Số vốn 30 triệu dồn hết vào đấy”, chị Hoa kể.
Một tuần trước dịch Covid-19 bùng phát, dù vẫn phải đi làm ở nhà máy nhưng chị Hoa đã up facebook và livestream bán hàng. Khách hỏi mua cũng có chút khởi sắc. Nhất là những bộ đồ áo dài cách tân được nhiều người đặt để diện chơi xuân. Cứ sau mỗi buổi livestream, chị Hoa lại tổng hợp đơn, đóng hàng rồi gửi đi cho khách ở trong và ngoài tỉnh.
Nhưng vừa bán được vài hôm thì dịch Covid -19 bắt đầu tràn về. Nhà chị Hoa đang lại đúng tâm dịch nên phong tỏa hết. Vì thế, dù bán hàng online nhưng đồ của chị cũng rất ế ẩm. Quần áo dù đẹp cũng không ai hỏi mua. Hàng không đẩy được, tiến không được mà lùi cũng không xong. Cả đống quần áo mới nhập về tấp đống trong góc nhà.
Những ngày sát Tết, chị Hoa phải tạm thời nghỉ làm ở nhà máy nên hàng ngày cố gắng đăng lên facebook thanh lý, xả kho quần áo Tết với giá rẻ. Tuy nhiên vẫn rất ít khách hỏi mua: “Năm nay, chỗ mình phong tỏa vì dịch như này thì coi như mất Tết. Chẳng ai có tâm trạng ăn Tết hay mua đồ mới du xuân”.
Hơn 1 tháng kinh doanh quần áo Tết về bán mà chị Hoa đã thua lỗ 30 triệu đồng vì hàng vẫn còn đó không bán được. Chưa kể, tiền tiêu Tết cũng hết sạch do không đi làm nên không có lương để góp Tết cùng gia đình.
“Mình phải ngậm ngùi đi bán cái dây chuyền cưới 3 chỉ về đưa cho mẹ cho lo Tết. Mình không dám kể chuyện buôn bán thua lỗ vì sợ bố mẹ biết lại lo lắng cho con gái, mất vui ngày Tết. Ra giêng, hết dịch phải cố gắng bán bán thanh lý đống quần áo này để thu hồi được đồng vốn nào tốt đồng ấy rồi đi làm lại tích cóp”.
Chị Hoa than thở: “Có lẽ cũng do mình chỉ đi làm công nhân, chưa biết nhiều tới bán hàng thời trang online, tưởng buôn bán quần áo Tết dễ kiếm lời mà vội vã nhảy vào nên thất bại là dễ hiểu. Đúng là kinh doanh không dễ như mọi người tưởng”.
Chia sẻ về lầnkinh doanh đầu tiên đã thất bại thảm hại vì đúng đợt dịch Covid, người phụ nữ 30 tuổi này khẳng định: “Năm nay coi như xé nháp, sang năm làm lại từ đầu. Kinh doanh được ăn mất chịu. Nhưng mình không nản mà bỏ cuộc dễ dàng đâu. Khi có cơ hội, mình sẽ làm lại từ đầu và coi đây là 1 bài học đầu đời. Lại đành cố gắng làm thêm 1 - 2 năm nữa rồi tính cách làm thêm để ổn định cuộc sống vậy”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo