Thị trường

EVFTA: Nhận diện thách thức và giải pháp đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ

DNVN - Việc nhận diện những thách thức đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn cũng như có những điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại đối với sự phát triển kinh tế bền vững và khai thác tối đa lợi thế so sánh của Việt Nam.

Việt Nam - EU ký EVFTA: Thái Lan phải chuẩn bị cho kịch bản nào? / EVFTA - Cơ hội tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0

Tại "Hội nghị Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Một số cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý" do Bộ Công Thương và Bộ Khoa học & Công nghệ đồng tổ chức vào sáng 27/8 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định: Chế định về SHTT là trong những khía cạnh cam kết của EVFTA được cho là sẽ có tác động trực tiếp và to lớn đến thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.
"EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền SHTT. EU đồng thời cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền SHTT", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Trong khi đó, là quốc gia đang phát triển, chỉ sở hữu một số lượng rất ít các sản phẩm SHTT so với đối tác EU, Việt Nam rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.
Ông Trần Hữu Linh phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Hữu Linh phát biểu tại hội nghị.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, việc nhận diện những thách thức đối với thực thi quyền SHTT của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn cũng như có những điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại đối với sự phát triển kinh tế bền vững và khai thác tối đa lợi thế so sánh của Việt Nam.
Ông cho biết, pháp luật Việt Nam đã khá tương thích với đa số cam kết trong EVFTA về SHTT, từ nguyên tắc chung về bảo hộ quyền SHTT tới các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cũng như các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới.
Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức thực hiện bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trong tác phẩm. Đây là các quy định rất chi tiết mà pháp luật Việt Nam hiện chưa ghi nhận.
"Mặc dù vậy, rà soát pháp luật mới chỉ là bước đi đầu tiên và 1 trong những nội dung quan trọng tiếp theo là phải rà soát, đánh giá việc thực thi không chỉ là ở hiện trạng thực thi quyền SHTT mà là cả ở năng lực trong tương lai về thực thi các cam kết để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Những quy định của EVFTA không chỉ đòi hỏi thay đổi pháp luật mà còn có thể mang đến những thách thức thực thi cho Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn", ông Trần Hữu Linh nêu.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, thực thi quyền SHTT luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về SHTT. Do vậy, đây cũng là chủ đề được EU chú trọng đàm phán trong EVFTA. Để đảm bảo thực thi có hiệu quả các cam kết trong EVFTA, bên cạnh việc nội luật hóa các cam kết của EVFTA, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT.
Từ thực tế trên, ông Trần Hữu Linh cho rằng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm dưới đây để cải thiện công tác thực thi quyền SHTT trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực:
Một là, xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT và thực thi quyền SHTT.
Hai là, nâng cao năng lực chuyên môn về SHTT và năng lực thực thi công vụ cho cơ quan, lực lượng chức năng.
Ba là tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động.
Bốn là đổi mới, nâng cao việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ; vận động người tiêu dùng chủ động tham gia phòng chống gian lận thương mại, hàng giả; cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các dấu hiệu vi phạm để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả...
Năm là tận dụng một cách có hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện tại và tương lai cho cơ quan thực thi.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm