Thị trường

FPT, May Hồ Gươm: Truyền cảm hứng cho doanh nghiệp thực hành ESG

DNVN - Việc May Hồ Gươm tăng trưởng dương trong năm 2023 trong khi toàn ngành tăng trưởng âm hay FPT thắng một gói thầu quốc tế được coi là "phần thưởng" cho những doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi và là ví dụ cụ thể tại Việt Nam về lợi thế của doanh nghiệp khi thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Dệt may, thuỷ sản, nông sản xuất sang Hàn Quốc tận dụng ưu đãi FTA cao nhất / Đà Nẵng: Sắp tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng

Thời gian qua, báo chí đã không tốn giấy mực để nói về việc liệu có phải dệt may Bangladesh vượt dệt may Việt Nam bởi yếu tố “xanh”.

Công ty May Hồ Gươm từng chia sẻ, doanh nghiệp (DN) đã rất nỗ lực tìm hiểu bộ tiêu chuẩn LEED - một trong những bộ tiêu chuẩn về môi trường bền vững của quốc tế. DN cực kỳ vất vả để được các nhà đánh giá quốc tế thừa nhận và vất vả hơn nữa để duy trì vì họ sẽ có những đánh giá lặp lại theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm.

Nhưng khi có sự chuyển đổi tư duy của chủ doanh cộng với kỹ năng, văn hoá làm việc trong DN về việc tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn đó thì May Hồ Gươm nói rằng các đơn hàng không thiếu. Năm 2023, toàn ngành dệt may tăng trưởng âm nhưng May Hồ Gươm vẫn tăng trưởng dương.

Còn FPT chia sẻ, trước Tết Nguyên đán vừa qua họ thắng một DN lớn của Ấn Độ trong cùng lĩnh vực CNTT một gói thầu của quốc tế. Lý do là đến vòng thẩm định cuối có 1 câu hỏi không ngờ “môi trường làm việc của DN có chấp nhận giới tính thứ 3 chưa và nếu có thì cung cấp bằng chứng?”.

Khi FPT cung cấp bằng chứng về việc trong những thông tin, thông báo tuyển dụng, các mẫu đơn tuyển dụng FPT có chấp nhận nam, nữ và giới tính khác. Đây là một trong những điểm cộng và sau này đối tác có bộc lộ rằng họ đánh giá rất cao. Họ cho rằng với một DN có khả năng thích nghi cao và có thể cải thiện những hoạt động, quy trình, thể hiện của mình hướng đến phát triển bền vững thì họ đánh giá tư duy của người quản lý rất cao và họ trao gói thầu đó cho FPT.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, đây là "phần thưởng" cho những doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi và là ví dụ cụ thể tại Việt Nam về lợi thế của DN khi thực hành ESG. Những câu chuyện người thực việc thực này rất đáng để DN Việt Nam lưu tâm nhiều hơn nữa về ESG.

Doanh nghiệp có lợi thế khi thực hành ESG.
Theo bà Thuỷ, với các chủ doanh, trong giai đoạn này đầu tiên cần lấy chữ E làm trọng tâm vì đó là áp lực. Chữ E này đang đặt rất nhiều DN vào thế không thể không làm. Do đó, hãy lấy nó làm trọng tâm đầu tiên, ít nhất từ giai đoạn này trở đi để chúng ta có được áp lực và buộc phải chuyển đổi.

Tuy nhiên, chữ S và G, DN không thể bỏ qua. Những chuyển động của DN về chữ S và G sẽ gia tăng giá trị và động lực cho DN.

Trong khi đó, theo bà Trần Phương Ngọc Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), câu chuyện của FPT trong thực hành ESG rất truyền cảm hứng liên quan đến câu hỏi "why" và "how" mà DN cần lưu tâm.

Người tiêu dùng và đối tác ngày càng chú trọng đến chữ "why" (vì sao). Họ đặt câu hỏi: tại sao tôi lại mua hàng từ phía DN này? Và chữ "why" trong thời đại này không còn là do món hàng đó tốt nữa mà là cả câu chuyện đằng sau. ESG chính là cách để trả lời câu hỏi “how" (như thế nào, bằng cách nào).

Từ kinh nghiệm của PNJ, theo bà Thảo, bài học đầu tiên mà DN cần lưu tâm là tư duy của chủ doanh nghiệp, là bài toán số 1 cần giải quyết. Phải có nhân sự chuyên trách về ESG, có "lực lượng đặc nhiệm" để thực thi.

Trong số các DN niêm yết, PNJ là một trong những DN tương đối hiếm và sớm thậm chí cho đến thời điểm này thành lập một tiểu ban riêng về ESG.

"Từ tiểu ban ESG, chúng tôi tiếp tục chia sẻ, lan toả kiến thức ESG tới HĐQT để có tiếng nói chung với nhau. Chúng tôi trao đổi những vấn đề rất cụ thể, từng yếu tố trong chữ E, S, G. Tiếp theo chúng tôi lan toả đến đội ngũ ban điều hành và bộ phẩn quản lý cao cấp của công ty", bà Thảo chia sẻ.

Cũng thành công trong thực hành ESG, bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, Vinasamex có mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị. Dù đã thay đổi triết lý kinh doanh và chuyển đổi mô hình của mình sang mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội cách đây 10 năm nhưng đến năm 2023, bà mới thực sự hiểu khái niệm ESG.

“Mô hình của Vinasamex tạo ra nhiều tác động xã hội nhưng tôi chưa biết đo lường, định lượng và chưa xác định được rõ ràng những gì DN đang làm.

Sau khi tham gia chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) tổ chức và được dự án hỗ trợ, Vinasamex đã định hình và hiểu hơn về ESG. 3 chữ E - S - G không chỉ dừng lại ở câu chuyện lý thuyết mà là cả một sự nỗ lực và việc làm thực tế”, bà Huyền chia sẻ.

Từ việc hiểu tầm quan trọng của thực hành ESG, DN tập trung vào xây dựng hệ thống quản trị, xin dự án hỗ trợ DN áp dụng chuyển đổi số trong quản trị DN từ xa một cách trơn tru.

Việc triển khai tốt ESG được coi là "giấy thông hành" để DN tiến sâu vào những thị trường khó tính, tiếp cận được những nguồn vốn xanh, tài chính xanh từ các quỹ đầu tư và ngân hàng.

Bà Huyền mong muốn được cử các cán bộ của công ty đi học về ESG nhiều hơn để có sự lan toả nhiều hơn về ESG trong mô hình kinh doanh của mình. Đồng thời tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ dự án Sáng kiến ESG Việt Nam cũng như cơ quan quản lý Nhà nước để hành trình thực thi ESG ngày càng bền vững.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm