Giá “vàng trắng” tăng cao, doanh nghiệp ngành cao su hưởng lợi
DNVN - Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong khi nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá “vàng trắng” tăng cao, kéo theo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất và xuất khẩu cao su tăng trưởng mạnh.
Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng giành lại mốc tỷ USD / Cơ hội hợp tác dệt may giữa doanh nghiệp Việt Nam và thành phố Surat (Ấn Độ)
Giá cao su tăng mạnh
Theo thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên, thế giới sẽ thiếu hụt 329.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021. Nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 tăng 9% so với năm 2020, lên hơn 14,1 triệu tấn. Nhưng thực tế, sản lượng cao su tự nhiên thế giới chỉ đạt 13,86 triệu tấn (tương ứng mức tăng 2% so với năm ngoái).
Cùng với nguồn cung thiếu hụt, giá dầu tăng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào của sản xuất cao su tổng hợp.
Một yếu tố khác là Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam đang thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn mủ cao su để bù đắp mức thiếu hụt trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cao su tại các thị trường EU, Mỹ, Ấn Độ… để phục vụ cho sản xuất tiếp tục tăng.
Đóng gói thành phẩm mủ cao su sơ chế.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP. Hồ Chí Minh nhận định, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhưng các nước cung ứng nguyên liệu cao su như Indonesia, Thái Lan… vẫn đang chịu tác động của đại dịch COVID-19 nên nguồn cung cao su thế giới thiếu hụt, từ đó đẩy giá cao su lên cao. Dự kiến, giá cao su sẽ tăng đến hết quý I/2022.
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng có sự chuyển biến cùng chiều với thị trường thế giới. Cụ thể, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su được hưởng lợi.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Trong những ngày này, nông trường cao su của Công ty CP Cao su Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tấp nập công nhân hối hả cạo mủ. Không chỉ công ty, nhiều hộ tiểu điền cũng thuê nhân công từ địa phương khác để thu hoạch mủ cao su.
Ông Huỳnh Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa cho biết, khác với nhiều năm trước, giá cao su năm nay tăng và vẫn giữ mức ổn định với hơn 40 triệu đồng/tấn; có những tháng đạt đỉnh 45 - 46 triệu đồng/tấn, so với giai đoạn 2012 - 2020, giá mủ cao su khô chỉ bình quân 30 triệu đồng/tấn. Giá tăng cao giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng, dù sản lượng khai thác ít nhiều bị ảnh hưởng do dịch.
Tính đến thời điểm này, công ty đã khai thác được hơn 6.644 tấn mủ cao su, tiêu thụ hơn 6.198 tấn, trong đó xuất khẩu gần 2.209 tấn. Doanh thu đạt hơn 260 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 triệu USD, tăng khoảng 20%, lãi sau thuế hơn 68 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
“Hiện là mùa cao điểm của ngành cao su, cộng thêm giá cao su năm nay tăng so năm trước nên công ty cũng đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng thời, tiếp tục cân đối nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng tiêu thụ đến cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch tiêu thụ cho năm 2022. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục triển khai sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững và đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, thị trường mới”, ông Huỳnh Quang Trung chia sẻ.
Công nhân thu hoạch mủ.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đánh giá tình hình kiểm soát dịch COVID-19 trên thế giới đã dần đi vào ổn định, sản xuất phục hồi ở hầu hết quốc gia, theo đó nhu cầu cao su cũng tăng trở lại. Với nhiều yếu tố tích cực hiện có, các nhà phân tích cho rằng giá cao su sẽ duy trì ổn định với mức hiện nay hoặc tăng thêm khi các yếu tố khác thuận lợi hơn.
“Dù xác định từ nay đến cuối năm tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng VRG phấn đấu đạt kết quả sản lượng ở mức cao nhất, vượt 3% chỉ tiêu được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giao. Các đơn vị thành viên thực hiện tốt chủ trương của VRG là sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.
Đến thời điểm này, tồn kho toàn tập đoàn luôn duy trì ở mức hợp lý, vừa bảo đảm cho việc cung cấp các hợp đồng dài hạn vừa không gây áp lực tiêu thụ cho thời điểm cuối năm. Với những kịch bản này cùng với những yếu tố thuận lợi khách quan, VRG sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cao su năm 2021 tốt hơn năm 2020” - ông Huỳnh Văn Bảo tin tưởng.
Vũ Bảo
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo