Thị trường

Kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Đại diện các doanh nghiệp kiến nghị không đưa sản phẩm đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi sửa luật.

Lãi suất cho vay giảm theo lãi suất điều hành? / Hậu quả khó lường khi phát triển 'nóng' sầu riêng

Tạm hoãn việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt từ nay đến năm 2025 để giúp doanh nghiệp phục hồi; không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, thức uống đại mạch hay nước giải khát không cồn…, đó là những ý kiến chủ đạo được các đại biểu đưa ra tại buổi góp ý về xây dựng dự án thuế tiêu thụ đặc biệt do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội rượu, bia, nước giải khát Việt Nam vừa tổ chức tại Đà Nẵng.

Một trong những nội dung được các bên quan tâm đó là việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm là đồ uống có đường. Các doanh nghiệp cho rằng thức uống có đường không liên quan bệnh thừa cân béo phì. Do vậy, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị không đưa những sản phẩm này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi sửa luật.

"Hai mục tiêu mà Bộ Tài chính đưa ra để áp dụng mức thuế này là tác động tiêu cực cho sức khỏe của người dân và tăng thu ngân sách thì theo tôi chưa đạt được mục tiêu này", ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại và truyền thống, Công ty Suntory Pepsico Việt Nam, nêu quan điểm.

Kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cho rằng thức uống có đường không liên quan bệnh thừa cân béo phì. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Một số quốc gia như Na Uy, Phần Lan, Mexico, tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tăng sau khi các quốc gia này áp dụng thuế đối với đồ uống có đường. Hay Đan Mạch đã hủy bỏ luật thuế này sau một thời gian dài áp dụng vì không có sự hiệu quả về mặt sức khỏe cũng như về kinh tế", ông Christopher Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ Việt Nam khu vực Đà Nẵng, cho biết.

Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thức uống đại mạch (bia không độ) là không phù hợp với xu thế chung của thế giới, cũng như tại Việt Nam. Bởi đây là sản phẩm được khuyến khích sản xuất với mục đích giảm lượng tiêu thụ sản phẩm có cồn.

"Hiện nay quy định của pháp luật phạt rất nặng những người uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Đây là lý do chúng tôi muốn đưa sản phẩm mới bia không độ vào để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề đó, đây là sản phẩm tương lai để giảm các sản phẩm đồ uống có cồn", bà Holly Bostock, Giám đốc đối ngoại cấp cao, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, cho hay.

"Hy vọng rằng các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng xem xét loại bỏ bia không cồn ra khỏi danh mục đóng thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Trương Văn Toàn, Giám đốc đối ngoại và phát triển, pháp lý khu vực Đông Nam Á, Công ty AB In Bev, nêu ý kiến.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị tạm hoãn việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2 năm tới. Bởi hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, do luật sửa đổi cần đảm bảo sự hài hòa giữa các thành phần kinh tế.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm