Mở rộng thị trường Á - Phi: Doanh nghiệp cần thu hút đầu tư chế biến chuyên sâu
“Cú sốc” tổng cầu khiến doanh nghiệp chế biến chế tạo lao đao / Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực châu Á – châu Phi ngày càng thể hiện được sự đa dạng hóa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các thị trường mới, thị trường ngách như khu vực châu Phi, khu vực Trung Đông cũng được đẩy mạnh khai thác và khai thác tốt.
Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam cũng là những mặt hàng mà thị trường châu Á-châu Phi có nhu cầu cao. Đơn cử như năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực Á-Phi đạt hơn 7,2 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, đạt 1,8 tỷ USD, tăng mạnh 34%. Đáng chú ý, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu trái nhãn của Việt Nam sang khu vực đạt hơn 14 triệu USD tăng gần 2,5 lần so với năm 2022. Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ nhãn Việt Nam nhiều nhất.
Về quả vải, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vải lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, hơn 100 nghìn tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc).
Về thủy sản, tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khu vực Á-Phi đạt 1,5 tỷ USD. Trung Quốc, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam về mặt hàng thủy sản.
Tại ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore có nhu cầu lớn về cá tra, basa, nhuyễn thể chân đầu, tôm, cua. Khu vực châu Phi, Tây Á như Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Saudi Arabia, Israel, UAE được đánh giá là những thị trường còn nhiều dư địa cho thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, khu vực châu Á-châu Phi cũng là thị trường nhập khẩu hàng đầu các mặt hàng công nghiệp chế biến thế mạnh của Việt Nam như: máy vi tính linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may, giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhiều mặt hàng chủ chốt của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển tại thị trường châu Á-châu Phi, ví như rau quả. Hiện nay, 60% các mặt hàng rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi đó thị phần rau quả của Việt Nam tại các thị trường khác còn nhỏ, khiêm tốn.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi khuyến nghị, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm có thế mạnh. Cần xây dựng danh sách doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, trái cây trên địa bàn đủ năng lực xuất khẩu gửi về Bộ Công Thương để thuận lợi trong công tác kết nối với nhà nhập khẩu.
Đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, các địa phương nghiên cứu khả năng phối hợp với bộ, ngành chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có uy tín của tỉnh tổ chức định kỳ hàng năm hoạt động xúc tiến thương mại. Nhất là tại các thị trường tiềm năng lớn còn nhiều dư địa cho các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh tại Trung Quốc như: Bắc Kinh, Hà Bắc, Hồ Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên…
Cần nghiên cứu khả năng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, ASEAN trong khâu đóng gói sản phẩm. Nhu cầu về mẫu mã sản phẩm luôn là tiêu chí quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng tại những thị trường này bên cạnh chất lượng sản phẩm.
“Các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư chuyển đổi hoặc thu hút đầu tư vào chế biến sâu trong bối cảnh xu hướng sử dụng các sản phẩm chế biến sâu trên thế giới và khu vực thị trường châu Á-châu Phi ngày một tăng. Qua đó, nâng cao giá trị xuất khẩu, bắt kịp xu thế của thị trường”, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo