Thị trường

Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đứng vững trước tác động của đại dịch COVID-19

DNVN - Nội dung báo cáo “Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam” (VPE500 - Báo cáo 2023) được Viện Chiến lược phát triển (VIDS) công bố sáng ngày 31/8 cho rằng, trước tác động của COVID-19, VPE500 vẫn duy trì tốt được vị thế trên thị trường.

Tài sản bình quân 1 doanh nghiệp nhà nước gấp 109 doanh nghiệp tư nhân nhưng hiệu quả không tương xứng / Doanh nghiệp tư nhân ít được khen thưởng dù đóng góp lớn

Theo ông Florian Constantin Feyerabend - Trưởng đại diện Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS), VPE500 - Báo cáo 2023 không chỉ phân tích các doanh nghiệp VPE500 đã có những thay đổi như thế nào trong bối cảnh đó, khả năng chống chịu của họ ra sao, mà còn trả lời câu hỏi họ có phải là trụ đỡ cho phát triển của các doanh nghiệp tư nhân nói chung hay không?

Tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong nước (VPE), chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.

VPE phần lớn là các doanh nghiệp được thành lập sau đổi mới, có quy mô nhỏ và vừa. Vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của doanh nghiệp Nhà nước.

TS Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng ban Ban Quan hệ quốc tế VIDS cho biết mặc dù xuất hiện ở 53/63 tỉnh/thành phố, VPE500 tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (chiếm khoảng 75%) và có xu hướng tăng nhẹ.

Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 phân bố ở 21/21 ngành cấp 1, trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại và xây dựng.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam". Ảnh: Hà Anh.

Báo cáo nhấn mạnh, so sánh giữa hai năm COVID-19 và một năm trước đó, có biến động khá lớn về số doanh nghiệp ra vào trong danh sách VPE500. Năm 2020, có tới 97/500 doanh nghiệp (19,4%) đã không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019.

Những doanh nghiệp này tập trung vào nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 như bất động sản và xây dựng (23/89), thương mại (15/73), dệt may (7/32), chế biến thực phẩm (9/70).

Chỉ có một số ít ngành vẫn giữ được số lượng thuộc VPE500 là những ngành được đánh giá là hưởng lợi trong COVID-19 như thông tin truyền thông, bưu chính, sản xuất và phân phối điện.

Đến năm 2021, tiếp tục có tới 61 doanh nghiệp nữa rời khỏi danh mục, nâng tổng số rời đi sau hai năm lên tới 158, tương đương 31,6% và vẫn tập trung vào các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng ở trên.

Bên cạnh đó, ngay cả với các doanh nghiệp vẫn còn duy trì trong bảng xếp hạng, thứ hạng của các doanh nghiệp này cũng giảm đi nhanh chóng, tỷ lệ giảm trên 50 bậc là trên 60%. Tỷ lệ ra khỏi danh mục chung của ngành công nghiệp chế biến chế tạo là 25,3%, thấp hơn tỷ lệ chung là 28,0%.

Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng, đây cũng là nhóm có xếp hạng cao và ít thay đổi về thứ bậc. Tương tự, doanh nghiệp thuộc TOP50 vẫn giữ được xếp hạng và thứ hạng cũng ít thay đổi hơn.

“Những thông tin trên cho thấy trong giai đoạn COVID-19, mức độ ổn định của VPE500 có cao hơn, ngụ ý rằng các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì tốt được vị thế của mình trên thị trường so với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa”, báo cáo cho biết.

Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam duy trì tốt vị thế trước tác động COVID-19.

Cũng theo VPE500 - Báo cáo 2023, doanh nghiệp dịch vụ chiếm ưu thế về số lượng doanh nghiệp trong VPE500, đặc biệt là trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất.

Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế với 7 doanh nghiệp (năm 2019), 9 doanh nghiệp (năm 2020) và 8 doanh nghiệp (năm 2021).

Số lượng doanh nghiệp ngành thương mại trong Top 10 giảm từ 3 doanh nghiệp (năm 2019) xuống còn 1 doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo. Công ty cổ phần Thế Giới Di động là doanh nghiệp ngành thương mại duy nhất nằm trong Top 50 cả 3 năm nhưng với thứ hạng giảm dần (xếp thứ 5, 7 và 8 trong các năm 2019-2021).

VPE500 trong ngành chế biến chế tạo biến động khá rõ qua các năm (237 doanh nghiệp năm 2019, chiếm 47,4%; 245 doanh nghiệp năm 2020, chiếm 49,0% và 233 doanh nghiệp năm 2021, chiếm 46,6%). Các doanh nghiệp này tập trung vào một số ngành như chế biến lương thực, thực phẩm; kim loại và sản phẩm kim loại; sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác than, dầu; điện, điện tử.

Có thể thấy, các VPE500 chủ yếu tập trung vào khai thác những nhóm ngành có lợi thế về nguyên liệu và thứ hạng của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng không cao. VPE500 ảnh hưởng đại dịch thấp hơn các khối khác.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm