Thị trường

Siết chặt quy định an toàn thực phẩm nhập khẩu, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

DNVN - Dù cho rằng Lệnh 248, 249 về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc gây nhiều lo ngại, nhưng doanh nghiệp Việt Nam xác định hàng rào khó nhất vượt qua hai Lệnh này là nâng cao chất lượng nông sản Việt.

Trung Quốc tạm dừng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn / Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Quảng Ninh do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì

Thách thức tất yếu và tư thế “chấp nhận cuộc chơi”

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Những quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ về quy định mới này của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi trong chính sách của quốc gia xuất khẩu là bình thường. Người dân Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn tới chất lượng sản phẩm, bao bì, quy cách đóng gói đối với mặt hàng nông sản mà thị trường tỷ dân này nhập khẩu.
Lệnh 248, 249 về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc gây nhiều lo ngại cho doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc - công ty có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu sang Trung Quốc: Gần đây, Trung Quốc đã tăng 42% loại giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và tăng 16,7% số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới - cao gần gấp đôi so với số lượng tiêu chuẩn liên quan của Tiêu chuẩn quốc tế Codex. Chính phủ Trung Quốc đang hoàn thiện nhiều luật, hướng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Phúc bày tỏ sự ủng hộ những quy định mới, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Ngay khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248, 249, Việt Phúc đã cho dịch và phổ biến tinh thần đến nhiều bộ phận trong công ty. Qua thông tin tìm hiểu tại Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, công ty nhận thức rõ khi tham gia vào WTO, các thị trường trong đó có Trung Quốc sẽ có những hướng dẫn hoặc thay đổi quy định về kiểm dịch động, thực vật, hoặc an toàn thực phẩm.
“Hai Lệnh 248, 249 là đòi hỏi hoàn toàn tự nhiên đối với các nhà xuất khẩu thực phẩm từ nước ngoài. Chính những nhà sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng phải tuân theo nhiều quy định về an toàn thực phẩm. Xã hội càng phát triển, con người càng phấn đấu đến những tiêu chuẩn mới, đáp ứng được xu thế của thời đại. Việt Nam không thể nằm ngoài dòng chảy ấy, tất cả sản phẩm muốn xuất khẩu và tham gia thị trường quốc tế đều phải chấp nhận cuộc chơi”, bà Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, tiếp nhận thông tin về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248, 249 không phải doanh nghiệp nào cũng xác định “cuộc chơi” ngay từ đầu như Công ty Việt Phúc. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn, thậm chí, “hoang mang” trong thời gian đầu tiếp nhận.
Bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh cho biết, khoảng 1 tháng sau khi hai Lệnh 248, 249 ban hành, Công ty Đại Dương Xanh nắm được thông tin về những quy định mới trong việc xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, công ty này trăn trở, không xác định được chính xác cơ quan quản lý nào đảm nhiệm việc thông tin, cũng như hướng dẫn cho doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của Lệnh 248, 249.
"Hoang mang" là từ mà bà Ngọc phải thốt lên khi nhớ lại thời điểm hai Lệnh 248, 249 được ban hành, cho dù, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu của công ty, nhưng mặt hàng chủ lực của công ty như sầu riêng, thanh long, bưởi da xanh, trái cây sấy dẻo, trái cây cấp đông, bột trái cây chắc chắn bị ảnh hưởng.
"Doanh nghiệp chúng tôi từ trước đến nay chủ yếu lo các thủ tục về thương mại, ít cập nhật về chính sách. Trong khoảng vài tháng, Đại Dương Xanh lo lắng về nhiều thứ như thủ tục, hạn chuyển đổi, cũng như cách thức đăng ký với phía Trung Quốc", bà Ngọc chia sẻ.
Qua một số đối tác Trung Quốc, công ty xuất nhập khẩu ở phía Nam này đã nắm được sơ bộ tinh thần, cũng như chủ trương của hai Lệnh 248, 249. Tuy nhiên, dù đã kiến nghị lên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, song công ty chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về việc đáp ứng những yêu cầu mới về quy cách đóng gói bao bì, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và phương thức đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc.
Sau đó, Đại Dương Xanh đã chủ động chuẩn hóa vùng nguyên liệu, thanh tra, kiểm soát dây chuyền sản xuất. Với chủ trương "quản trị chặt chẽ, thích ứng mọi biến đổi", công ty coi hai Lệnh 248, 249 giống như một "hàng rào kỹ thuật", một bước đệm để có thể tiếp cận và mở cửa những thị trường khó tính hơn như Mỹ, EU.
“Cho tới khi tiếp xúc và được Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn về Lệnh 248, 249, Công ty Đại Dương Xanh có một cái nhìn khác. Văn phòng đã giải thích cặn kẽ các quy định mới của Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy, hai lệnh mới giống như một lời cảnh tỉnh cho người sản xuất. Chúng tôi có trách nhiệm phải nâng cao chất lượng nông sản, kiểm soát chặt chẽ mọi khâu trong chuỗi giá trị, và không thể coi Trung Quốc là thị trường dễ tính nữa", bà Ngọc nói.
Cần sự đồng hành với doanh nghiệp trong mọi khâu của chuỗi giá trị
Cho dù ủng hộ hay thích ứng nhanh với sự biến đổi thì doanh nghiệp vẫn băn khoăn về thủ tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hàng rào khó nhất vượt qua Lệnh 248, 249 của Trung Quốc vẫn là nâng cao chất lượng nông sản Việt.

Hướng tới hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vào đầu năm 2022, Công ty Việt Phúc băn khoăn hai vấn đề. Đó là việc công ty đã hoàn thiện thủ tục đăng ký trước ngày 1/11, nhưng hiện chưa thấy phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồi đáp.
Thêm vào đó, trong quy định của Lệnh 249, có yêu cầu về việc in mã số doanh nghiệp lên bao bì. Tuy nhiên, mã số này do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa chuyển cho các doanh nghiệp Việt Nam các mã số này. Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến hạn áp dụng hai lệnh mới, các công ty trong nước lo ngại về khả năng trễ nhịp dây chuyền, có thể gây ùn ứ cục bộ.
Nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề, đại diện Công ty Việt Phúc đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần có sự đồng hành, kết nối trong từ việc xây dựng vùng nguyên liệu tới quá trình thương mại hóa sản phẩm. Nền nông nghiệp cần làm tới đâu, bán tới đó, tránh tồn đọng trong việc tiêu thụ.
"Chúng ta phải xác định rõ thị trường mục tiêu để quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch không gian phát triển. Nền nông nghiệp không chỉ quan tâm đến chất lượng, mà còn phải đẩy mạnh thương hiệu, đưa ra hệ thống quy chuẩn, đáp ứng cả thị trường trong nước lẫn quốc tế”, bà Hương nói.
Khẳng định quyết tâm vượt qua những cản trở, khó khăn từ hai Lệnh 248, 249, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh cho biết: Thị trường Trung Quốc là thỏi nam châm mà bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới đều muốn khai thác. Với riêng Việt Nam, thị trường Trung Quốc còn có lợi thế thêm về logistics, giúp doanh nghiệp trong nước có thể tiêu thụ những sản phẩm mùa vụ, tiêu biểu như vải, xoài, khoai lang...
“Lệnh 248, 249, hay bất cứ thủ tục đăng ký nào khác chỉ mang tính hành chính. Vấn đề sâu xa là doanh nghiệp phải có giải pháp căn cơ, thích ứng với mọi biến đổi bằng cách chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, kiểm soát, nâng cao năng lực chế biến, chú tâm đến cả khâu thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bao bì. Hàng rào khó nhất để vượt qua là nâng cao chất lượng nông sản. Chỉ khi chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, thoát khỏi tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, quản trị được quy trình sản xuất, chúng ta mới đủ tự tin đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của cơ chế thị trường", bà Ngọc nhấn mạnh.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm