Thừa Thiên Huế: Sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19
DNVN - Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tháng 5/2020, các trung tâm du lịch đã đón được một lượng lớn du khách nội địa, các ngành bị thiệt nặng nề do dịch Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Đó là những tiền đề vô cùng quan trọng, là động lực, đòn bẩy đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam liên kết thiết lập "Tam giác vàng" du lịch miền Trung / Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh hậu Covid-19
Tín hiệu lạc quan
Chiều 2/6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5/2020 bằng hình thức trực tuyến với các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 5/2020, tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế của tỉnh bắt đầu giai đoạn bình thường mới, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 7.824 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch, tăng 6,8% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2020 đạt 33,3% kế hoạch.
Đáng chú ý là có 11 dự án đầu tư mới được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 3.800 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với vốn đăng ký 11,41 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 42% dự toán, giảm 2% so với cùng kỳ (thu nội địa đạt 3.017 tỷ đồng, đạt 42,6% dự toán).
Khách du lịch nội địa đã trở lại Huế sau giãn cách xã hội.
Hoạt động thương mại đã sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5/2020 ước đạt khoảng 3.138,3 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 15.938,3 tỷ đồng (giảm gần 8,79% so cùng kỳ). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 dự ước tăng 0,02% so với tháng trước, giảm 1,63% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,50% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 34,85 triệu USD, lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 257,7 triệu USD (giảm 40%).
Mặc dầu còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 5/2020 ước tăng 15,4% so với tháng trước (giảm thấp 0,3% so với cùng kỳ).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, IIP tăng 0,2%. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 8,9%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,81%; Ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 11,26%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,82%.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu phát triển
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh trong năm 2020; đặc biệt là đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu "Phòng chống dịch hiệu quả; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất đề ra là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi với triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Trọng tâm là triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thăm, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong tháng 5/2020, vấn đề khôi phục sản suất kinh doanh với sức sống mạnh mẽ đã được phát động, triển khai. Các ngành bị thiệt nặng nề do dịch Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp.
"Hoạt động du lịch cũng đã có dấu hiệu khả quan, sau nhiều giải pháp kích cầu du lịch được triển khai đã thu hút khách du lịch nội địa đến Huế với khoảng 65 nghìn lượt người trong tháng 5/2020. Đây là những tiền đề vô cùng quan trọng, là động lực, đòn bẩy đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển trong giai đoạn tiếp theo", ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.
Nhằm đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu "Phòng chống dịch hiệu quả; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" trong thời gian tới, ông Thọ yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra. Trong đó, tăng cường chỉ đạo đối với các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh; chủ động rà soát lại cơ cấu đầu tư để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án đầu tư phục vụ phát triển sản xuất, thương mại và dịch vụ.
“Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, tập trung hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và các dự án Quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh”, ông Thọ nhấn mạnh.
“Để đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế, các ngành và chính quyền các cấp phải tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương và việc thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu.
Viên Hữu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo