Thị trường

"Mở đường" cho ô tô ngoại nhập về Việt Nam

Theo dự thảo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không cần có giấy ủy quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam như quy định tại Thông tư 20/2011 trước đây.

Theo đó, để được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu ô tô, doanh nghệp chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghệp, hoặc giấy chứng nhận đầu tư và tài liệu chứng minh có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng quy định, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam. Ảnh minh họa.

Ông Bùi Xuân Trường, đại diện Công ty Anycar Việt Nam, cho biết: Từ tháng 6/2011, khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương quy định điều kiện nhập khẩu ô tô phải có giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng có hiệu lực, công ty ông cũng như rất nhiều đơn vị nhập khẩu ô tô phải ngừng hoạt động này. Thậm chí nhiều công ty phá sản, lao đao hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

Do vậy, nếu quy định này được bãi bỏ như trong dự thảo trên thì nhập khẩu ô tô nguyên chiếc được cởi trói, không còn bị đóng băng như trong suốt thời gian qua nữa. Từ đó các công ty sẽ quay lại nhập khẩu và bản thân Anycar Việt Nam cũng sẽ tính toán nhập khẩu ô tô lại trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các điều kiện khác của Thông tư 20 vẫn được áp dụng. Đơn cử như các công ty muốn nhập ô tô vẫn phải có giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng hoặc hợp đồng đại lý chính hãng theo quy định. Chính vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vẫn bị “trói tay, trói chân”.

Trong khi đó, theo ghi nhận đầu tháng 5/2017, hàng loạt dòng xe tại thị trường Việt Nam đã giảm nhanh và mạnh. Sau khi dẫn đầu cuộc đua giảm giá từ đầu năm Thaco - Trường Hải đã giảm nhanh giá nhiều loại xe Kia, Mazda lắp ráp tại Việt Nam. Đến thời điểm tháng 4 và tháng 5/2017, các dòng xe của Kia và Mazda chỉ giảm giá đôi chút, báo Dân trí đưa tin.

Thị trường lúc này chứng kiến cuộc đua giảm giá của các mẫu xe và thương hiệu xe khác. Dòng xe của Toyota bắt đầu cuộc chiến giảm giá từ tháng 4, khi Vios giảm giá khoảng 30 triệu đồng, Altis 30-40 triệu đồng, Camry 50-60 triệu đồng và Innova 45 triệu đồng.

 

Hãng xe Mỹ Chevrolet cũng không đứng ngoài cuộc, dòng xe giảm giá mạnh nhất của hãng này là Cruze 60 triệu đồng, Colorado 50 triệu đồng, Aveo 30 triệu đồng, Captiva 24 triệu đồng và Trax là 10 triệu đồng.

Ngoài Toyota, Honda cũng vừa tham dự cuộc đua giảm giá xe trong nước. Giảm mạnh nhất là dòng xe đa dụng CR-V với hơn 115 triệu đồng, giảm hơn 18 triệu đồng so với mức giảm mạnh tháng 4/2017.

Hiện nay, xu hướng giảm giá của các hãng ô tô trong nước đang ngày một nhiều hơn. Các hãng đua nhau tận dụng mọi lúc để giảm giá xe nhằm giữ doanh thu hoặc kéo khách hàng. -

"Bất kể cuộc chiến về giá nào cũng gây bất lợi cho các doanh nghiệp, khiến giá thị trường giảm nhanh dưới mức kỳ vọng của họ. Chính vì thế, lựa chọn cạnh tranh về giá là cuối cùng, sau khi đã thực hiện hoặc bỏ qua các sự lựa chọn: nâng chất lượng, tìm kiếm cơ hội từ sản phẩm mới, phân khúc khác... Ở chừng mực nào đó, các DN cùng cung ứng sản phẩm sẽ cùng bắt tay, giữ giá thị trường", một chuyên gia về giá bình luận.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Pháp luật TP. HCM, Giao thông)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo