Văn hóa

Những "bóng hồng" đẹp mãi bên đời nhạc sĩ Thanh Tùng

(DNVN) - Dù đó là bản tình ca viết vội hay day dứt từ tâm can để thốt lên lời, những "bóng hồng" xuất hiện bên đời nhạc sĩ Thanh Tùng trở lên dịu dàng đẹp mãi trong mắt người nghệ sĩ.

Theo tin tức từ báo Tiền phong, nhạc sĩ Thanh Tùng - Cha đẻ của nhiều ca khúc nổi tiếng một thời đã “ngủ yên” sáng 15/3. Ít ai biết rằng, Thanh Tùng thường viết nhạc dành tặng cho những “bóng hồng” ngang qua đời ông, có những bài là viết vội.

Nhạc sĩ Thanh Tùng từng thú nhận: "Tôi nói với bạn tôi, con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi. Nhân vật trong ca khúc của tôi bao giờ cũng là người phụ nữ, và đúng là có nhiều nhân vật lắm". Có thể thấy, Thanh Tùng yêu nhiều lắm và ông có nhiều người yêu lắm. Mặc nhiên, ông thường kể chuyện “yêu nhiều” của mình như một cái duyên vậy thôi.

Đối với Thanh Tùng, người vợ quá cố là "bóng hồng" đẹp nhất. Ảnh báo Tiền phong. 

Chính vì vậy, có bao nhiêu lời tỏ tình được gửi đi trong nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng là câu hỏi chưa bao giờ có lời giải đáp. Khi được hỏi về những "bóng hồng" trong âm nhạc, ông chỉ có thể kể ra được từng cái tên cứ nối dài mãi. 

Bài hát "Trái tim không ngủ yên" đã được nhạc sĩ xác nhận ca khúc viết về một cô "chân dài". Họ vừa quen nhau thì ông có việc phải đi ra Hà Nội gấp và không kịp mua quà tặng người đẹp nên bỏ tiền vào bao thơ và ghi lại: "Em mua giúp anh một món quà cho mình".

Hành động của ông khiến người đẹp giận dỗi, ông đã lấy giấy bút ra viết: "Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu là thực ra anh đang dối lòng/ Còn anh nói đã trót yêu em rồi là thực ra anh đang dối anh"...

Gọi điện cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào lúc 2 giờ sáng, nhạc sĩ Thanh Tùng nhận được lời gợi ý: "Đêm hôm đánh thức người khác, không ngủ được thì đặt luôn bài hát đó là "Trái tim không ngủ yên" đi!"...

Riêng bài "Hát với chú ve con" thì nhạc sĩ Thanh Tùng thừa nhận, đó là một câu chuyện buồn. Ngày ấy ông yêu một cô gái rất đẹp và có một số phận rất đau đớn. Vì cuộc sống xô đẩy, cô ấy trở thành tiếp viên, không còn tin vào tình yêu nữa dù ông đã rất cố gắng chứng minh điều đó.

 

Sau này, người con gái ấy ra nước ngoài đoàn tụ gia đình và mang theo bài hát Thanh Tùng viết vội tặng lúc chia tay. Sau đó là hàng loạt những cái tên xuất hiện như: Ngọc Thúy, Tôn Nữ Minh Tâm trong các ca khúc nổi tiếng như: Chuyện tình của biển, Phố biển, Giọt nắng bên thềm...

Có thể nhạc sĩ Thanh Tùng sẽ không còn một mình ở nơi xa. Ảnh báo Phụ nữ TP. HCM.

Đặc biệt, với ca khúc “Một mình”, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Rung cảm chân thành trong từng lời ca, từ giọt mồ hôi tóc mai cho đến buổi tan ca đón con về. Nó thật đến mức không ai hồ nghi về tính cô đơn nghệ sĩ thường đưa ra như một thứ men sáng tạo đơn thuần... "Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn, cùng với tôi về".

Chia sẻ về nỗi đau và kể lại những ký ức cùng nhạc sĩ Thanh Tùng, ca sĩ Tùng Dương cho biết trên báo Lao động: " Tôi vẫn nhớ cách đây nhiều năm, nhạc sĩ Thanh Tùng lúc đó ngồi trên xe lăn đã đưa bản thảo ca khúc “Chuyện cổ Nghi Tàm” cho tôi."

Ông bảo: “Bài này phải để Tùng Dương hát”. Ca sĩ Tùng Dương được nhạc sĩ Thanh Tùng ưu ái cho thể hiện ca khúc này, vì tôi hiểu, từ những tâm sự đầy yêu thương với người bạn đời qua ca khúc “Một mình” đến “Chuyện cổ Nghi Tàm” và “Hoa cúc vàng” là một khoảng trống trải không thể bù đắp. Chúng mang nhiều hoài niệm về những điều đã mất, trở thành những thứ ám ảnh trong tâm hồn nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Thanh Tùng từng kể với Tùng Dương về cảm hứng sáng tác “Chuyện cổ Nghi Tàm”. “Ngày xưa có một ngôi làng bên bờ Hồ Tây tên là Nghi Tàm... Ngày xưa có một Nghi Tàm bên bờ Hồ Tây nhưng là ngôi làng. Ngày nắng, nắng thơm mùi ổi găng... Chiều hôm, gió thơm mùi hoàng lan…” - những ca từ đó chất chứa bao khoảng buồn hoài niệm về quá khứ của Thanh Tùng.

 

“Hơn 40 năm trước, ở gần Hồ Tây từng có một ngôi làng mang tên Nghi Tàm. Ngày nay nó là con đường, nhưng nó từng là một ngôi làng. Có thể có người biết có người không, có người nhớ có người quên. Con đường ấy, ngôi làng ấy gắn với tôi nhiều kỷ niệm, khi tôi và vợ tôi bắt đầu yêu nhau. Tôi mới đi học ở nước ngoài về. Tôi nhớ cô ấy đội mũ rơm, hai đứa đi bên nhau trên con đê dài hun hút thơm lừng ổi găng."

"Tôi trèo lên cây hái quả và cô ấy đứng dưới gốc, dùng mũ rơm hứng lấy… Bây giờ ra Hà Nội, xuống sân bay, về Nghi Tàm, tôi chẳng còn thấy con đường đầy ổi ngày xưa đâu nữa. Tôi nhớ ngôi làng Nghi Tàm của tôi. Rồi ngồi trong ôtô, nỗi nhớ day dứt bùng phát trong tôi, và cứ thế tôi ngân lên ca từ, giai điệu đó” - nhạc sĩ Thanh Tùng đã kể như vậy đấy. 

Ông yêu nhiều và có nhiều người yêu, nhưng vợ luôn có một vị trí đặc biệt. Chính vì vậy, sau khi vợ mất, nhạc sĩ đã bị suy sụp tinh thần và cô đơn. Người nhạc sĩ ấy đã đi về cõi thiên thai. Ai đó vẫn sẽ nghêu ngao hát “Lối cũ ta về dường như nhỏ lại / Trời xanh xanh mãi một màu ấu thơ”. Tiếng ve vẫn kêu và bầu trời vẫn sẽ xanh như thuở ấy, như tâm hồn của một con người cả cuộc đời đã viết lên những giai điệu đẹp về tình yêu và cuộc sống”.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo