Thị trường

Nông sản xuất ngoại mục tiêu vượt ngưỡng 31 tỷ USD năm 2017

(DNVN) - Chiều 9/11, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký kết, tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020.

Theo nội dung Bản ghi nhớ này, các đơn vị chức năng trực thuộc hai Bộ Công Thương và NN&PTNN sẽ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản trong giai đoạn 2016 - 2020 trên 6 lĩnh vực.

Cụ thể, phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của thị trường; Trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Quản lý thị trường, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với vật tư nông nghiệp và hàng nông, lâm, thủy sản.

Đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; Quản lý nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký kết, tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020.

Bản ghi nhớ được thực hiện trên nguyên tắc, Bộ Công Thương sẽ chủ trì thực hiện các giải pháp thuộc phạm vi, chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về thương mại gồm lưu thông hàng hóa trong nước, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế, thương mại quốc tế, quản lý cạnh tranh, phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì thực hiện các giải pháp thuộc phạm vi, chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản; thực hiện các giải pháp liên quan đến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chủ trì thực hiện đàm phán, giải quyết các rào cản về kiểm dịch động, thực vật và an toàn thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2016 tăng khá, đạt khoảng 23,92 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có 4 mặt hàng đã đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD (thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều) và 7 mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với số lượng thị trường xuất khẩu đã tăng khá nhanh trong thời gian qua (năm 2008 là 107 thị trường, năm 2010 là 117 thị trường và đến năm 2016 là trên 160 thị trường).

Với những nội dung được cụ thể hóa trong Bản ghi nhớ, trong thời gian tới, công tác sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản được kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực, phấn đấu đưa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 31 tỷ USD trở lên, đồng thời đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của hai Bộ được thông suốt, hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân.

Nên đọc


 

 

Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo