Tin tức - Sự kiện

Phút quên mình của Trung úy hi sinh ở Trường Sa

Sáng 19/10, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), đại diện Quân chủng Hải quân và Lữ đoàn 125 hải quân đã tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu thiếu úy chuyên nghiệp Đinh Văn Nam, 32 tuổi, y sĩ hải đội 3 (Lữ đoàn 125).

 "Trong vòng tay đồng đội, Nam chỉ thoi thóp được ít phút rồi tim ngừng đập hẳn”.

 

Sáng 19/10, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), đại diện Quân chủng Hải quân và Lữ đoàn 125 hải quân đã tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu thiếu úy chuyên nghiệp Đinh Văn Nam, 32 tuổi, y sĩ hải đội 3 (Lữ đoàn 125).

Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định nâng lương, phiên quân hàm cho liệt sĩ Đinh Văn Nam từ thiếu úy chuyên nghiệp (bậc lương 2/10) lên trung úy chuyên nghiệp (bậc lương 3/10) và truy tặng bằng khen cho liệt sĩ Đinh Văn Nam.

'Thoi thóp trong vòng tay đồng đội'

Trung úy chuyên nghiệp Đinh Văn Nam, Y sỹ, thuộc Hải đội 3, Lữ đoàn 125 Hải quân. Nam được tăng cường cho Tàu HQ-957 làm nhiệm vụ trực bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Thanh Long. Sau gần 80 ngày đêm Tàu hoàn thành nhiệm vụ đang trên đường cơ động về lữ đoàn thì được lệnh của Quân chủng hành quân tới đảo Phan Vinh B, quần đảo Trường Sa cứu kéo Tàu HQ-626.

 

Đại tá Nguyễn Kiều Kinh – trưởng phòng chính sách Quân chủng hải quân – đọc quyết định nâng bậc lương và phiên quân hàm trước niên hạn đối với liệt sĩ Đinh Văn Nam - Ảnh: TTO

Theo đồng đội của Nam, khoảng 6h10 ngày 16/10/2013, khi Tàu HQ-957 đang làm dây với tàu HQ-626 để chuẩn bị kéo theo lệnh của Sở Chỉ huy phía trước Vùng 2. Để tiến hành làm dây kéo, tàu phải sử dụng 01 dây ni-lông φ40 để giữ cố định dây kéo. Vì sóng to, dòng chảy mạnh, đẩy vào mạn Tàu HQ-957 làm cho tàu có nguy cơ bị dạt lên cạn.

Để đảm bảo an toàn cho tàu HQ-957, thuyền trưởng ra lệnh chặt dây cố định. Mặc dù không được phân công chặt dây nhưng khi nghe lệnh chặt dây kéo của thuyền trưởng, anh đã nhanh chóng cầm dao chạy đến chặt dây cố định. Do dây quá căng, nên khi đứt, đã văng vào ngực Nam làm anh rơi xuống biển.

Tàu HQ-957 ngay lập tức cử 2 đồng chí nhảy xuống biển để vớt Nam đưa lên tàu, kết hợp với Quân y Vùng 2 trên tàu HQ-953 sang cấp cứu. Nhưng do lực đập quá mạnh, Nam bị chấn thương vùng ngực, gãy tay phải, tim ngừng đập. Nam đã hy sinh.

Trung úy chuyên nghiệp Ngô Mạnh Hùng, Thủy thủ 1, Tàu HQ-957 nói trong nghẹn ngào: “Chỉ trong nháy mắt đồng đội của tôi đã bị hất xuống biển, chúng tôi gần như chưa định hình được bạn tôi đã làm gì? Chỉ khi nghe lệnh của thuyền trưởng “có người rớt xuống biển, tổ chức cứu, vớt” thì tôi cùng với một người nữa khác nhào xuống nước và vớt được Nam lên. Trong vòng tay đồng đội, Nam chỉ thoi thóp được ít phút rồi tim ngừng đập hẳn”.

Bỏ dở ước mơ

Ngày 17/10, thi hài liệt sĩ Đinh Văn Nam được đưa vào đất liền, gia đình, đồng đội đón trở về với vòng tay của những người thân.

Trong nỗi xót thương vô hạn, chị Kim Xoa (28 tuổi), nói trong tiếng nấc nghẹn: “Chúng tôi còn nhiều dự định lắm – chị Xoa lau nước mắt nói – Anh ấy bảo khi chuyển ra ngoài Hải Phòng sẽ học chuyên tu lên bác sĩ. Chúng tôi định năm 2015 sẽ sinh thêm con. Anh ấy bảo đi nốt chuyến này rồi về (liệt sĩ Nam đã có quyết định chuyển công tác ra Hải Phòng. Đêm 15/10, chúng tôi còn nói chuyện đến hơn 0h sáng. Tối đấy có sóng điện thoại, anh ấy gọi về cho cả bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ… Vậy mà, chiều tối hôm sau đơn vị đã đến nhà báo, chồng tôi hi sinh…”.

Hiện chị Xoa mới sinh con vẫn chưa tìm được việc làm, con gái của chị là bé Đinh Thị Khánh Chi, mới được 20 tháng tuổi, đang tập nói, chưa biết gọi bố.

Khi linh cữu liệt sĩ Đinh Văn Nam được đưa lên xe, lãnh đạo lữ đoàn và nhiều đồng đội đã đến chạm tay vào linh cữu người đồng đội trong những phút cuối cùng liệt sĩ Nam còn ở lại với anh em lữ đoàn… Có người thì thầm: “An nghỉ nhé Nam, hãy yên lòng mà đi…”.

Sau lễ truy điệu, linh cữu liệt sĩ Nam đã được đưa về Hải Phòng để làm lễ an táng theo nguyện vọng của gia đình. “Vợ chồng tôi sống với nhau chưa được bao lâu, thời gian ở bên nhau quá ít. Tôi và gia đình muốn đưa anh về nhà để được gần vợ con, gần bố mẹ”, chị Xoa cho biết.

Sống mãi trong lòng chiến sĩ

Lữ đoàn 125 đã phát động phong trào học tập noi theo hành động dũng cảm của liệt sĩ Đinh Văn Nam trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125, quân cảng Sài Gòn, Vùng 2 Hải quân, Hải đoàn 129 và 128, tập thể tàu HQ957… đã hỗ trợ thân nhân liệt sĩ Nam 350 triệu đồng để tạm thời ổn định cuộc sống.

Đại diện Phòng Chính sách Quân chủng Hải quân cho biết sẽ đề nghị Nhà nước sớm trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Đinh Văn Nam.

Đại tá Trần Thanh Tâm, Chính ủy Lữ đoàn chia sẻ: “Sự hy sinh của Nam là sự mất mát vô cùng lớn đối với đơn vị và gia đình. Nam là người trách nhiệm, hết lòng vì nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Đảng viên Đinh Văn Nam sẽ sống mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 anh hùng”.

Liệt sĩ Đinh Văn Nam sinh năm 1982, quê Ninh Bình, nhập ngũ tháng 2/2001. Anh là con trai duy nhất của ông Đinh Văn Khang. Vợ chồng ông Khang đều công tác trong lực lượng hải quân, đã nghỉ hưu.

QĐND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo