Thị trường

Quốc hội thảo luận về kế hoạch tài chính, nợ công và đầu tư công

(DNVN) - Theo chương trình làm việc, hôm nay 1/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận các nội dung liên quan đến vấn đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công…

Cụ thể, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015).

Sau đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sang buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đáng chú ý, về Báo cáo Kế hoạch tài chính 5 năm, Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 5 năm 2011-2015 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội được trình bày trong phiên họp toàn thể chiều ngày 20/10 khẳng định thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân các mặt hạn chế của việc thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước 5 năm (2011-2015).

Đồng thời, Báo cáo cũng nêu lên những vấn đề cụ thể liên quan đến Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó về các giải pháp cơ bản, Ủy ban cơ bản tán thành với nhiều nhóm giải pháp thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm đề ra trong Báo cáo của Chính phủ và nhấn mạnh thêm một số giải pháp như: cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp về quản lý ngân sách Nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước; quản lý chặt chẽ bội chi; đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng tái cơ cấu đầu tư công; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo