Quốc tế

Nga 'hốt' bạc tỷ nhờ xuất khẩu vũ khí cho đồng minh của Mỹ

Moscow đã bán vũ khí của mình cho 166 trong số 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ)- Rosoboronexport, nhà xuất khẩu vũ khí được ủy quyền duy nhất của Nga cho biết trong một thông cáo và khẳng định rằng nhiều đồng minh của Mỹ đang chuyển hướng sang mua vũ khí từ Nga.

Mỹ chuẩn bị gửi cho Ukraine một loạt vũ khí mới / Mỹ không kích với vũ khí siêu chính xác để trả đũa Iran

Những con số ấn tượng

'Doanh số xuất khẩu vũ khí của Nga không giảm bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ' là thông tin do người đứng đầu Tập đoàn nhà nước Rostec Sergei Chemezov cho biết hôm 16/12.

Theo tin từ hãng Reuters, tập đoàn Rostec bao gồm nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov cũng như trực thăng Nga và tập đoàn máy bay (UAC), nằm trong số các công ty của Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt đối với nước này về việc sáp nhập Crimea từ Ukraine. Tuy nhiên, Rosoboronexport, công ty xuất nhập khẩu của tập đoàn đã ghi nhận doanh thu là 13,7 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn 2 tỷ USD so với 2017.

"Doanh số năm 2019 dự kiến sẽ bằng hoặc hơn năm 2018 vì Tập đoàn đã ghi nhận được đơn đặt hàng trị giá hơn 12 tỷ USD cho đến thời điểm hiện tại", ông Sergei Chemezov nói: "Càng ngày việc xuất khẩu càng phát triển. Điều đó có nghĩa là sản phẩm của chúng tôi có chất lượng cao và đáng tin cậy".

Người đứng đầu Rostec cho biết, Nga cũng sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong một số dự án bất chấp việc một số nước phương Tây đang tẩy chay hai quốc gia vùng Vịnh vì vai trò của họ trong cuộc chiến ở Yemen.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp giữa Ủy ban Hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài.

Tin từ hãng Sputnik cho hay, trong một số dự án mà Nga đang hợp tác với Arab Saudi có các kế hoạch xuất khẩu súng trường tự động Kalashnikov - một trong những loại súng thông dụng trong thế kỷ XX. Ngoài ra, Nga còn giao một lô súng trường có độ chính xác cao ORSIS T-500 trị giá hàng triệu USD cho một khách hàng nước ngoài khác.

Trong năm 2019, Rosoboronexport đã thực hiện hơn 40 cuộc thuyết trình về những khẩu súng trường này tại các triển lãm quốc tế ở Bờ biển Ngà, UAE, Đức, Brazil, Mexico cũng như tại Army 2019 và Interpolitech…

"Súng trường ORSIS T-5000 là loại súng được dùng làm cơ sở để tạo ra tổ hợp bắn tỉa "Tochnost". Đây là phát triển của nhà máy vũ khí Promtekhnologiya (thương hiệu ORSIS) và súng bắn tỉa mới hoàn toàn, đáp ứng mọi yêu cầu hiện đại.

Cho đến gần đây, loại súng bắn tỉa này được sản xuất dưới dạng hai cỡ đạn: 308 Winchester và 338 Lapua Magnum. Súng dành cho các đơn vị bắn tỉa chống khủng bố và chuyên dụng", Sputnik viết.

Đồng thời, hãng thông tấn này cũng dẫn lời của ông Sergei Chemezov cho biết đã có sự quan tâm từ Trung Đông đối với máy bay chở khách của Nga là MC-21, loại máy bay được cho là có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các máy bay phản lực tương tự từ Airbus (AIR.PA) và Boeing (BA.N).

 

Người đứng đầu Tập đoàn Rostec tiết lộ: "Hiện tại, có đơn đặt hàng cho hơn 170 máy bay, chủ yếu là từ các hãng hàng không ở Nga. Sản xuất thường xuyên có khoảng 72 máy bay mỗi năm được lên kế hoạch. Việc giao hàng đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2021".

Riêng về khoản thanh toán trước 800 triệu USD đã được Ấn Độ thực hiện cho Nga liên quan đến các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400, ông Sergei Chemezov khẳng định, các cuộc đàm phán đang diễn ra, năm 2025 là thời hạn chót.

Trong khi đó, một báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 17/12 cũng khẳng định, ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu tiếp tục phát triển với tổng doanh số tăng 4,6% so với năm ngoái.

Doanh số của các công ty Nga được cho là vẫn ổn định, với tổng doanh thu 36,2 tỷ USD, tương đương 8,6% tổng doanh thu toàn cầu nhưng nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của nước này lại ghi nhận mức tăng trưởng 18%. SIPRI cho biết, trong 100 công ty vũ khí hàng đầu đã bán 420 tỷ USD cho các dịch vụ vũ khí và quân sự của năm 2018 thì 5 công ty hàng đầu đều đến từ Mỹ gồm: Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics.

Nhìn chung, các công ty Mỹ chiếm 59% tổng doanh số. Song Nga đang tăng cường vị thế trên thị trường vũ khí toàn cầu, bất chấp các áp lực trừng phạt và sự cạnh tranh không lành mạnh từ các quốc gia khác.

 

Các chuyên gia của SIPRI đều cho rằng, 7 cuộc triển lãm đã được tổ chức tại Nga trong năm vừa qua, từ Armygames 2019 đến Maks 2019, đã đóng góp rất lớn trong việc quảng bá vũ khí Nga với những thành tựu mới của ngành công nghiệp quốc phòng như hệ thống phòng không S-400, máy bay chiến đấu Su-57, trực thăng vận tải Mi-38T... Hiện nay danh mục các đơn hàng đối với vũ khí Nga đã vượt qua con số 50 tỷ USD.

Báo cáo của SIPRI khẳng định, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Nga đang ghi nhận mức tăng trưởng 18% trong năm 2019.

Chiến lược hợp tác quân sự với nước ngoài

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với Ủy ban Hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài cũng đề xuất việc thay đổi các chi tiết quân sự phù hợp với yêu cầu từ những khách hàng mua vũ khí Nga, đồng thời khẳng định, vị thế của Nga trên thị trường vũ khí là động lực để nhà sản xuất vũ khí quốc phòng đặt mục tiêu giữ vững thị phần trong phân khúc này.

Cũng trong cuộc họp, ông Vladimir Putin đã chỉ đạo nội các tăng cường nỗ lực xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự cho các thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và các đối tác truyền thống khác, đặc biệt là trên lục địa châu Phi. Thống kê cho thấy, những quốc gia này chiếm hơn một phần ba xuất khẩu thiết bị quân sự của Nga.

Ông Vladimir Putin nhấn mạnh: "Tôi muốn nói vài lời về Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi gần đây trong bối cảnh này. Nó đã tái khẳng định rằng hợp tác kỹ thuật quân sự đáng tin cậy và có trách nhiệm là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ của chúng ta với các đối tác châu Phi.

 

Dựa trên kết quả của hội nghị, tôi muốn đề nghị phân tích nhiều đề xuất mà chúng tôi đã nhận được cho hợp tác kỹ thuật quân sự, chú ý đến giá trị thương mại của họ và áp dụng các phương thức giao hàng và thanh toán linh hoạt".Đặc biệt, ngoài các đối tác truyền thống, Nga giờ đang đặc biệt chú trọng tới thị trường Trung Đông.

Hãng tin The New Arab trong bài viết mới đây nhận định: "Nga đang tìm cách bán phần cứng quân sự tiên tiến cho một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, lần đầu tiên có khả năng đảm bảo các thỏa thuận sinh lợi trong khu vực kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Hiện Nga đã bán thành công cho Iran một đội máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum. Nga cũng đã bán tàu ngầm lớp Kilo cho Iran vào đầu những năm 1990. Iran đã đặt mua S-300 từ Nga vào năm 2007, nhưng chúng không được giao cho đến năm 2016 sau nhiều năm Tehran chịu áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và Israel.

Thời của sự thất bại trong các thỏa thuận vũ khí to lớn giữa Nga với các quốc gia Trung Đông đã thay đổi. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách tái lập đất nước của mình như một nhà xuất khẩu vũ khí lớn cho khu vực".

Hệ thống phòng không S-400 của Nga được nhiều nước quan tâm.

Thực tế hiện nay, Nga đã thực hiện các thỏa thuận với một số quốc gia trong khu vực, hầu hết là các đồng minh của Mỹ có truyền thống mua vũ khí phương Tây. Jordan được cung cấp dồi dào vũ khí Nga trong thời kỳ Xô Viết, và truyền thống này tiếp tục trong những năm gần đây. Hai nước đã ký một số hợp đồng, trong đó quan trọng nhất là phát triển và sản xuất súng phóng lựu RPG-32 "Nashshab".

 

Nga cũng đang nâng cấp các hệ thống phòng không, trước đây được cung cấp cho Jordan. Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga với Kuwait phát triển trong những năm 1970 và 1990. Đặc biệt việc giao hàng lớn vũ khí và thiết bị quân sự đã được thực hiện vào năm 1994-1997.

Với Arab Saudi, thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD năm 2017 về cung cấp vũ khí và thiết bị được các chuyên gia quân sự đánh giá là thành công của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Ai Cập, một đồng minh khác của Mỹ đã mua một phi đội MiG-29 và S-300 từ Nga và năm nay hai nước lại ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD để mua một phi đội Su-35.

Đáng chú ý nhất là Nga đã bán các tên lửa phòng không S-400 của thành viên NATO trong một thỏa thuận được cho là phi thường và đáng ngạc nhiên. Sau thoả thuận S-400, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang dự tính mua máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35 từ Nga và Tổng thống Tayyip Erdogan cũng bày tỏ sự quan tâm đến máy bay phản lực Su-57 của Nga…

Nga cũng đang có quan hệ trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật với Pháp, Hy Lạp, Bulgaria và Slovakia, các thành viên của chương trình Đối tác vì hòa bình của NATO và các đồng minh của Mỹ. Hợp tác kỹ thuật và quân sự Nga-Pháp dựa trên thỏa thuận liên chính phủ, được ký năm 1994, cho phép hai nước phối hợp nỗ lực trong ngành hàng không và vũ trụ, vũ khí nhỏ, xe bọc thép, sản xuất pháo và đóng tàu.

Hy Lạp là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất của Nga. Vào những thời điểm khác nhau, Nga đã cung cấp cho Hy Lạp các hệ thống phòng không, bao gồm hệ thống S-300, tàu đổ bộ đệm khí, hệ thống tên lửa chống tăng, xe chiến đấu bộ binh, súng phóng lựu chống tăng cầm tay, lắp đặt pháo binh, vận tải quân sự máy bay trực thăng.

 

Rosoboronexport đang coi việc hiện đại hóa các thiết bị do Liên Xô và Nga sản xuất là "một trong những hướng đi đầy hứa hẹn" để phát triển hơn nữa quan hệ Nga-Hy Lạp trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.

Hợp tác của Nga với Bulgaria và Slovakia bị chi phối bởi việc bảo trì và hiện đại hóa các thiết bị quân sự. Chẳng hạn, Moscow và Sofia đã ký hợp đồng hiện đại hóa máy bay trực thăng và với Slovakia - để nâng cấp máy bay chiến đấu MiG-29.

Đỉnh cao của sự hợp tác quân sự Nga-Phần Lan là vào năm 1991-1996, một số lượng đáng kể vũ khí và thiết bị quân sự sau đó đã được chuyển giao, bao gồm cả xe chiến đấu bộ binh BMP-2, pháo tự hành 2S5 "Hyacinth-C", ba sư đoàn phòng không hệ thống "Buk-M1".

Súng máy Kalashnikov 7.62 mm là vũ khí cơ bản trong quân đội Phần Lan. Nga và Hàn Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác quân sự và kỹ thuật vào tháng 12 năm 2007. Sau đó Nga đã giao cho Hàn Quốc xe tăng T-8, xe bọc thép BMP-3 và trực thăng Ka-32.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm