Quốc tế

Tiêm kích Typhoon của không quân Anh lần đầu diệt máy bay trong suốt hơn 70 năm qua

Tiêm kích Typhoon của không quân Anh đã bắn rơi máy bay không người lái (UAV) gần căn cứ Mỹ ở Syria, đánh dấu lần đầu tiêm kích không quân nước này hạ mục tiêu bay kể từ năm 1949.

Nga nâng cấp hệ thống phòng không Pantsir, mở rộng phạm vi tấn công / Biến thể Omicron cản trở đà phục hồi kinh tế Mỹ

Bộ Quốc phòng Anh hôm qua thông báo một chiếc tiêm kích Typhoon của không quân Anh đã bắn hạ máy bay không người lái (UAV) thù địch trên vùng trời Syria hôm 14/12, đánh dấu cuộc giao chiến trên không đầu tiên của dòng Typhoon trong biên chế quân đội nước này.

"UAV có kích thước nhỏ và rất khó bắn hạ, nhưng nó đã bị tiêu diệt bằng một tên lửa ASRAAM", thông cáo của Bộ Quốc phòng Anh có đoạn.

Đây là lần đầu tên lửa đối không tầm nhiệt ASRAAM được xác nhận sử dụng trong chiến đấu.

Chưa có nhiều thông tin về vụ bắn hạ UAV, nhưng giới chức Anh cho biết biên đội Typhoon Anh được lệnh triển khai khi phát hiện hai UAV gần căn cứ Mỹ ở Al Tanf, miền nam Syria, chúng gây ra mối đe dọa cho lực lượng liên quân làm nhiệm vụ ở khu vực.

Phi công Anh sau đó được lệnh tiêu diệt UAV đang tiếp cận căn cứ Al Tanf với lý do nó uy hiếp binh sĩ dưới mặt đất, UAV còn lại quay đầu và rời khỏi khu vực. Chủng loại và bên vận hành UAV chưa được xác minh.

"Vụ bắn hạ thể hiện năng lực của không quân Anh nhằm tiêu diệt các mối đe dọa với lực lượng đồng minh", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho hay.

Cuộc giao chiến cũng mang ý nghĩa lịch sử với không quân Anh, khi lần đầu phi công và tiêm kích lực lượng này hạ được mục tiêu bay thù địch trong hơn 70 năm qua.

Lần cuối cùng phi công và tiêm kích không quân Anh bắn rơi mục tiêu bay là năm 1949, trong cuộc chiến giữa Israel và các nước Arab, khi London lúc này là đồng minh của Tel Aviv.

 

Quân đội Anh cũng hạ máy bay Argentina trong cuộc chiến Falklands năm 1982, nhưng khi đó họ sử dụng tiêm kích hạm Harrier của hải quân.

Tiêm kích đa năng Typhoon là xương sống của lực lượng chiến đấu không quân Anh tại Trung Đông, sau khi London rút cường kích Tornado GR4 khỏi biên chế hồi năm 2019.

Những chiếc Typhoon chủ yếu làm nhiệm vụ tấn công mặt đất và trinh sát, được chỉnh sửa để mang nhiều loại vũ khí thường dùng trên dòng Tornado như tên lửa hành trình Storm Shadow và Brimstone.

 

Typhoon (Chiến binh Châu Âu – Cuồng phong Châu Âu ) là tiêm kích đa năng thế hệ 4 nổi tiếng do liên doanh Eurofighter GmbH (gồm Tập đoàn EADS của Đức – Tây Ban Nha; BAE System của Anh và Aleni Aeronautica của Italy) cùng hợp lực nghiên cứu phát triển.

Tiêm kích Typhoon được chế tạo từ: vật liệu tổng hợp sợi các bon, nhôm lithi, titan… giúp máy bay có khả năng bán tàng hình.

Ngoài ra với kiểu thiết kế cánh tam giác kết hợp cánh mũi cung cấp khả năng linh hoạt cao, lực cản thấp và tăng lực nâng.

 

Đặc biệt, tiêm kích Typhoon có khả năng bay siêu âm mà không cần sử dụng buồng đốt lần 2. Ngoài Typhoon thì chỉ có F-22 làm được điều này.

Typhoon có kích thước chiều dài 15,6m, sải cánh 10,95m và chiều cao 5,28m. Trọng lượng rỗng 11 tấn, trong khi trọng lượng cất cánh tối đa 23,5 tấn.

Typhoon được trang bị hai động cơ EJ200 với lực đẩy 60kN/động cơ và khi đốt tăng lực công suất tăng lên 90kN/động cơ.

 

Với hai động cơ này, EF-2000 Typhoon có thể đạt hiệu suất bay với vận tốc tối đa Mach 2 và tầm bay 1.400km.

Tốc độ leo cao của máy bay chiến đấu Typhoon lên tới 315m/s và trần bay của chúng đạt 19.850m.

13 điểm treo trên cánh và bụng cho phép chiến đấu cơ Typhoon mang theo tổng cộng khoảng 8 tấn vũ khí.

 

Trong cận chiến, Typhoon có thể sử dụng tên lửa đối không tầm ngắn IRIS-T, AIM-9, AIM-132 và tên lửa tầm trung - xa AIM-120 và MBDA Meteor.

Typhoon được trang bị các loại tên lửa không đối đất tầm ngắn AGM-65, tên lửa hành trình KEPD 350 tầm bắn 500km, tên lửa hành trình Storm Shadow và bom dẫn đường laser Paveway.

Typhoon sử dụng một hệ thống phòng thủ cực kỳ tinh vi tên là Praetorian. Hệ thống này có thể phát hiện và cảnh báo các mối đe dọa từ tên lửa không đối không và đất đối không, cung cấp đánh giá toàn diện và đáp ứng đồng thời nhiều mối đe dọa.

 

Để chống lại những nguy cơ, máy bay được trang bị mồi bẫy nhiệt, kim loại nhiễu xạ, thiết bị tác chiến điện tử (ECM) và mồi bẫy radar kéo theo.

Với các tính năng đỉnh cao Typhoon được coi là đối thủ ngang tài ngang sức với "chiến thần" Su-35 Nga.

Hiện nay, tiêm kích Typhoon hoạt động chủ yếu trong các nước thuộc khối NATO như: Không quân Hoàng gia Anh, Không quân Đức, Không quân Italy và Không quân Tây Ban Nha.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm