Tin tức - Sự kiện

Thương binh tố VTV phát sóng lừa đối: Tác giả lên tiếng

Phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết?” do Dũng Chinh, phóng viên Đài PT-TH Bình Định, thực hiện bị thương binh tố dàn dựng đã từng đoạt giải B do Hội Nhà báo tỉnh Bình Định trao năm 2013. Phóng sự này cũng được phát trên VTV khiến các nhân vật phản ứng gay gắt.

"Ai chắp cánh cho thần chết?" đã từng đoạt giải B
 
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định Võ Xuân Phụng cho biết ông không khẳng định tác phẩm này có bị dàn dựng hay không, nhưng đúng là tác phẩm đã được Hội Nhà báo Bình Định trao giải B năm 2013.
 
Ông Võ Xuân Phụng khẳng định thêm: “Hội Nhà báo Bình Định cũng đã gửi tác phẩm này dự thi giải báo chí quốc gia nhưng không đoạt giải. Tuy vậy, chúng tôi biết trước đó tác phẩm đoạt giải khuyến khích trong Liên hoan truyền hình toàn quốc 2012.
 
Về mặt nội dung, tôi nhận xét rằng tác giả đã dồn nhiều công sức thực hiện phóng sự truyền hình khá nghiêm túc và công phu. Còn nếu họ dàn dựng thì làm sao mình biết được” - ông Phụng nói.
 


Người cụt chân, cụt tay điều khiển ôtô - Ảnh cắt từ clip phóng sự chiếu trên VTV

“Ai chắp cánh cho thần chết?” là phóng sự truyền hình đề cập đến 4 trường hợp bị tàn tật, trong đó có ông Đinh Dương Hải (51 tuổi, thương binh 1/4 bị cụt hai chân, ở TP Quy Nhơn) và ông Nguyễn Văn Nhung (45 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị cụt sát nách một tay do tai nạn từ nhỏ và hai người khác cũng bị tật nguyền, hàng ngày họ lái ôtô chở khách, chở hàng hóa mưu sinh.
 
Sau khi Đài truyền hình VN phát lại trên chương trình Chào buổi sáng ngày 28/6, các cơ quan chức năng mới vào cuộc xác minh tại sao những người tàn tật nói trên được cấp giấy phép lái xe thì lúc đó chính người trong cuộc phản ứng và cho rằng mình bị lợi dụng cho mục đích dàn dựng của phóng viên Dũng Chinh.
 
VTV sẽ trả lời chính thức qua sóng
 
Tác giả Dũng Chinh nhất quyết cho rằng: “Tôi khẳng định ở thời điểm thực hiện phóng sự truyền hình nói trên, những nhân vật của tôi vẫn lái xe rong ruổi chở khách, chở hàng mưu sinh, nhưng khi người của Sở GTVT Bình Định kiểm tra thì họ ngại nên tạm dừng.
 
Tôi có đủ cơ sở chứng minh điều đó, thậm chí tính xác thực thể hiện ngay trong tác phẩm của mình” - ông Dũng Chinh nói.
 
Về phía VTV, ông Đỗ Tùng Khánh, phó trưởng phòng Chào buổi sáng, cho biết: “Phóng sự này được VTV lấy từ nguồn các tác phẩm dự thi Liên hoan phim toàn quốc về trật tự an toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức. Phóng sự này không đoạt giải nhưng chúng tôi thấy chất lượng tốt nên đã cho phát sóng”.
 
Ông Khánh khẳng định nếu có phản ứng từ Bình Định, VTV sẽ trả lời chính thức qua sóng truyền hình.
 
Thương binh chờ đợi
 
Sự thật được ông Đinh Dương Hải kể lại: "Khoảng tháng 6/2012, một phóng viên của Đài PT-TH Bình Định tìm đến nhà nhờ tui đóng giúp vai một nhân vật lái xe để làm phim cho chương trình Thương binh tàn mà không phế để phát đúng dịp ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm ngoái. Tui không đồng ý, vì cho rằng mình bị cụt cả hai chân mà vẫn lái xe để làm gương cho người khác là không hợp lý.
 
Nhưng phóng viên này đã năn nỉ, chỉ nhờ tôi ngồi lên xe của họ và lái một đoạn đường, không ảnh hưởng gì hết nên tui đồng ý dùng chân giả lắp vào và ngồi lên xe du lịch 7 chỗ của ông phóng viên và lái một đoạn khoảng 1 cây số rồi xuống xe về nhà".

 
Thương binh Hải không đồng tình với việc làm của phóng viên, gây ảnh hưởng tới gia đình và người thân.

“Tui hối hận ghê gớm, vì tin người, vô tình một người thương binh như tôi lại làm ảnh hưởng đến gia đình, con cái đang đi học, những bạn bè thời chiến và hơn hết là người dân. Bạn bè tui không hài lòng, muốn tìm đến nhà phóng viên kia hỏi cho ra nhẽ nhưng tui thấy còn pháp luật, còn có các ngành chức năng. Tui tin vào điều đó, và chờ đợi…” - ông Hải chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Văn Nhung cũng thật thà: “Tui cũng vì lời dụ ngọt của người hàng xóm được giới thiệu là người thân của anh nhà báo nên đồng ý ngồi lên xe lái một đoạn để họ quay phim với mong muốn được sự trợ giúp của xã hội. Ai dè, điều đó lại trái ngược với mong muốn, làm ảnh hưởng tới các ngành chức năng”.


Ông Nhung chỉ ở nhà phụ vợ chặt đá lạnh, không lái xe chở đá đi bán. 

Anh Nhung kể lại, khi nghe nhà báo nói nhờ ngồi lên xe nhà lái một đoạn để quay phim, phát cho chương trình Người tàn tật vượt khó, để họ kêu gọi sự trợ giúp của các nhà hảo tâm nên mừng, tưởng thật.
 
Ông Nguyễn Quả, chánh thanh tra Sở GTVT Bình Định, cho biết: “Kiểm tra cho thấy cả hai người trên đều không có bằng lái ôtô và trong một năm qua họ không lái xe".

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo