Chủ động phòng chống bệnh viêm não virus mùa hè
Ăn nhiều đường dễ mắc bệnh loãng xương / Bệnh ho gà ở trẻ em
Theo số liệu về tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2019, cả nước có 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 9,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 67 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 46 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu và 413 người bị ngộ độc thực phẩm.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Bệnh viêm não và viêm màng não có thể bị mắc quanh năm, tuy nhiên bệnh hay xảy ra vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8, do đó người dân cần hết sức lưu ý
Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...
Dịch sởi vẫn đang có nguy cơ tiếp diễn, một trong những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này là viêm não - mảng não. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường -Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viên Bạch Mai, viêm não - màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong; hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất.
Ngoài biến chứng viêm não, bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù loà...
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy; nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh; nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ảnh minh họa