Tin tức - Sự kiện

Dân nghèo chưa kịp hoàn hồn sau dịch, thêm ấm ức vì "buộc phải đóng" vô số các quỹ tự nguyện

DNVN - Nhiều người dân vô cùng bức xúc khi các địa phương tổ chức thu các loại quỹ diễn ra ngay trong giai đoạn cả nước đang thực hiện “chống dịch như chống giặc”, khi hàng triệu người lao động bị mất việc làm, bị giảm thu nhập đang chạy ăn từng bữa.

Vụ Sư cô bạo hành bé tiểu: Thu hồi quyết định trụ trì, biệt chúng 6 tháng / Hà Nội: Tiền cứu trợ cho dân chưa tới tay, phường vẫn “vô cảm” thu đủ các loại quỹ tự nguyện

Ngày 13/6/2020, Doanh nghiệp Việt Nam đã có bài “Hà Nội: Tiền cứu trợ cho dân chưa tới tay, phường vẫn “vô cảm” thu đủ các loại quỹ tự nguyện” phản ánh tình trạng loạn thu các loại quỹ phường, quỹ tổ tại một số phường ở nội thành Hà Nội. Việc thu quỹ các loại diễn ra ngay trong giai đoạn cả nước đang thực hiện “chống dịch như chống giặc”, khi hàng triệu người lao động bị mất việc làm, bị giảm thu nhập. Khi mà gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ vẫn chưa tới tay được những người dân nghèo đang chạy ăn từng bữa.

Trước tình trạng loạn thu quỹ này, chị Q.P - một người dân ở Hà Nội đã viết thư cho Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị: “Chủ tịch TP Hà Nội ra Chỉ thị cấm thu tất cả các loại quỹ phường, quỹ tổ, rất nhiều loại quỹ khác mà tổ dân phố đang triển khai thu tại nhà dân. Lý do tiền hỗ trợ dân bị thất nghiệp, ảnh hưởng bởi Covid-19 còn chưa phát tới tay dân, việc thu quỹ trong thời điểm nay là hành động “vô cảm” của chính quyền”.

Ấm ức vì buộc phải đóng vô số các quỹ tự nguyện

Ngay sau khi Doanh nghiệp Việt Nam có bài phản ánh, rất nhiều độc giả đã đồng tình với các vấn đề mà bài báo nêu ra. Nhiều người dân đã liên hệ với Doanh nghiệp Việt Nam để phản ánh tình trạng loạn thu quỹ phường, quỹ tổ diễn ra từ nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội. Nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19, khi mà nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp hoàn hồn lại sau “cú sốc” thất nghiệp, mất việc, làm ăn thua lỗ, phá sản, nợ nần do dịch Covid-19 gây ra. Việc chính quyền địa phương vẫn vô cảm tổ chức từng đoàn tới gõ cửa nhà dân, thu đủ các loại quỹ, khiến cho nhiều người vô cùng bức xúc. Điều mà nhiều người phản ánh là cho dù các loại quỹ kia được gọi với các tên mĩ miều là “quỹ tự nguyện”, nhưng thực chất là “buộc phải đóng”.

Anh Công Tâm (ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Ngày hôm qua, tổ dân phố tới thu các loại quỹ, tôi cũng đang rất khó khăn nên tôi đề nghị là chỉ đóng góp tùy tâm, gọi là có tấm lòng. Nhưng tổ đi thu nói thẳng là tấm lòng cũng phải tối thiểu 500.000 đồng. Tôi không hiểu nổi tại sao trong khi mà nhiều nhà dân đang rơi vào tình cảnh khốn cùng, các đoàn thể vẫn tới hết thu quỹ, rồi xin ủng hộ, thậm chí cả ủng hộ liên hoan. Có nhà hàng xóm nhà tôi nộp 250.000 đồng, nhưng tổ đi thu lèo nhèo bằng được cho đủ 500.000 đồng mới đi”.

Chị Lê Thanh Hoàn, một thợ may đang tạm trú ở quận Hà Đông cũng chia sẻ trong nước mắt: “Chồng mất sớm, một mình tôi đi làm thuê nuôi hai con nhỏ, rồi phải giúp đỡ bố mẹ già. Nhưng năm nào họ cũng đến thu đủ các loại quỹ, không sót một loại quỹ nào. Đến đợt hỗ trợ Covid-19 này, họ lại bảo tôi đi làm ăn xa thì hộ khẩu ở đâu về đó đăng ký nhận hỗ trợ. Tôi đi làm thuê, lương không đủ ăn, giờ còn về quê lấy xác nhận để được hỗ trợ, tiền xe đi về cũng tương đương có khi còn vượt quá với số tiền hỗ trợ (mà chưa biết có được nhận số tiền đó hay không). Nên tôi không về quê lấy xác nhận nữa, không trông chờ gì vào khoản tiền này, trong khi tiền quỹ các loại vẫn phải nộp đủ”.

Các loại quỹ tự nguyện mà người dân phường Khương Đình buộc phải đóng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Các loại quỹ tự nguyện mà người dân phường Khương Đình buộc phải đóng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Chị Vũ Thị Thúy (ở Hoài Đức, Hà Nội) một nhân viên ngân hàng cũng cho biết: “Dịch bệnh đã khó khăn lắm rồi, lương thì bị cắt giảm liên tục, tiền hỗ trợ của Chính phủ thì mới chỉ biết đến qua báo, đài, tivi, chứ nhiều người dân trong xóm trong diện hỗ trợ cũng chưa nhận được. Trong khi đó, tổ dân phố vẫn đến thu các loại quỹ, thật là nản lòng”.

Anh Quảng Hà (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết: “Ở khu nhà tôi chưa thấy có thông báo công khai là đã phát tiền hỗ trợ (gói 62.000 tỷ đồng) cho ai. Nhưng thu quỹ thì làm rất nhanh, chả sót khoản nào. Hôm qua họ vừa tới thu quỹ bảo trợ xã hội, tôi xem trong văn bản thấy ghi là bao gồm cả quỹ cao tuổi, trẻ em, khuyến học... nên tôi nói với chị thu tiền cho rằng thu các loại gộp vào thế này thì khi nào thu tiền quỹ cao tuổi hay tiền khuyến học là tôi không nộp nữa nhé. Nhưng họ nói rằng: “Ơ không, những khoản ấy vẫn nộp tiếp chứ”. Tôi chả hiểu họ thu quỹ theo tiêu chí nào, do ai quy định nữa”.

Anh Quảng Hà còn cho biết thêm, hồi mấy năm trước anh còn bị nộp oan phí đường bộ cho xe máy. Hồi đó nhà nước đã dừng thu rồi mà không hiểu sao phường nhà anh vẫn thu, sau không thấy trả lại cho dân.

Không chỉ ở Hà Nội, mà một số tỉnh như Hưng Yên, Điện Biên, Long An người dân cũng phản ánh tình trạng loạn thu các loại quỹ phường, quỹ tổ ngay sau dịch Covid-19.

Anh Lê Văn Việt (ở thành phố Hưng Yên) cho biết, hôm trước tổ dân phố mới đến thu quỹ ủng hộ phòng chống Covid-19, trong khi văn bản vận động ghi rõ chỉ thu trong tháng 4. Hai vợ chồng anh Việt đã đóng ủng hộ mỗi người 1 ngày lương ở cơ quan rồi, nhưng tổ dân phố vẫn yêu cầu phải có trách nhiệm ở địa phương.

Tại thành phố Điện Biên Phủ, nhiều người cũng phản ánh tình trạng thu quỹ ngay trong giai đoạn mà các cửa hàng buôn bán đang nghỉ vì dịch Covid-19. Chị Trần Thu Lượng cho biết, quán bán cháo đêm của nhà chị đã nghỉ bán trong đợt dịch, nhưng tổ dân phố vẫn đến thu 300.000 đồng quỹ cựu chiến binh. Rồi một đoàn đến thu ủng hộ phòng chống dịch, rồi tổ dân phố vẫn đến thu quỹ như bình thường.

“Quán nghỉ bán mấy tháng, tôi kê khai đề nghị hỗ trợ do thất nghiệp do dịch thì mấy hôm sau Cục Thuế gửi thông báo đi nộp thuế môn bài, thuế tháng, đồng thời thông báo luôn nhà tôi trong diện không được hỗ trợ do dịch. Trong khi đó, từ khi chưa có dịch quán cháo đêm nhà tôi trong diện được miễn thuế từ mấy năm nay rồi. Giờ đang khó khăn vì dịch bệnh họ lại quay lại tận thu thuế, tôi chả hiểu là họ hỗ trợ dân kiểu gì nữa”, chị Lượng bức xúc nói.

Anh Nguyễn Chí Thông (ở Long An) cũng chia sẻ, gia đình cha mẹ anh thuộc diện nghèo, nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Mới đây gia đình anh được nhà nước trợ cấp cho 3 tháng, mỗi tháng 500.000 đồng. Tiền trợ cấp vừa nhận xong tổ dân phố đến thu quỹ không sót loại nào. Ở quê đóng nhiều quỹ không kém gì Hà Nội: Quỹ vì người ngèo, quĩ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống lụt bão thiên tai, quỹ xây dựng nông thôn mới, quỹ an ninh trật tự, quỹ chiếu sáng nông thôn (tháng nào cũng thu cho dù có mấy cái đèn đường, ngày mở ngày không mà thu mỗi hộ 20.000 - 30.000 đồng ). Chưa kể đến mấy vụ đóng góp đột xuất khác tự nguyện như Ngày hội đại đoàn kết, Ngày hội quốc phòng an ninh.

Chính phủ cần sớm xem xét dừng việc tổ chức thu quỹ tự nguyện trên cả nước

Một vấn đề mà nhiều người dân cũng bức xúc chia sẻ, đó là dù các loại quỹ thu từ trong dân rất lớn, nhưng không nơi nào công khai khoản thu các loại quỹ được bao nhiêu, chi tiêu thế nào, cũng như nhà nước chưa quản lý việc thu chi các khoản quỹ tự nguyện này?

Chị Lâm Thanh Hà (ở TP.Điện Biên Phủ) cho biết: “Không chỉ riêng dân Thủ Đô, mà ở tỉnh lẻ cũng vẫn có những khoản đóng quỹ phường, quỹ tổ rất nhiều. Mấy năm trước khi họp tổ dân phố tôi có ý kiến đề nghị phải công khai cho dân biết khoản tiền thu được đó, chi tiêu như thế nào. Thì đến kỳ họp sau cuộc họp nhận được kết quả quyết toán vỏn vẹn chỉ có 3 dòng: tổng thu, đã chi, còn lại bao nhiêu? Còn họ chi cụ thể thế nào, vào các công việc gì không một người dân nào được biết”

Năm 2020, một năm khó khăn với đại đa số người dân khi dịch bệnh Covid-19 ập đến bùng phát rất nhanh. Rất nhiều người dân Hà Nội bỗng sau một đêm trở thành người thất nghiệp, hoặc bị giảm việc, giảm thu nhập. Từ tháng 5 tới giờ, bắt đầu có hoạt động kinh tế trở lại, nhưng thực tế rất nhiều người dân vẫn chưa có việc làm, việc làm chưa ổn định như lúc trước dịch, thu nhập bấp bênh. Nhưng việc các tổ chức chính trị địa phương như phường xã, thôn, tổ vẫn tổ chức thu quỹ không sót loại nào khiến nhiều người dân bức xúc.

Chính phủ đã tung ra gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng, một số nơi đã phát cho dân, nhưng cũng còn nhiều nơi chưa triển khai hỗ trợ. Ở Hà Nội nhiều người đã nộp đủ tờ khai và giấy tờ tới tổ dân phố nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. Tiền cứu trợ còn chưa tới tay dân, tổ dân phố vẫn thu đủ các loại quỹ. Hành động này là là hành vi VÔ CẢM trước nỗi khổ, nỗi khó khăn của đại đa số người dân trong thời điểm này. Đã đến lúc Chính phủ cần xem xét lại việc tổ chức thu các loại quỹ tự nguyện, quỹ ngoài ngân sách đang diễn ra tại các địa phương. Thậm chí có ý kiến còn đề nghị, Chính phủ cần sớm có một Chỉ thị cấm vận động dân đóng các loại quỹ tự nguyện.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo