Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Tiền cứu trợ cho dân chưa tới tay, phường vẫn “vô cảm” thu đủ các loại quỹ tự nguyện

DNVN - Một người dân ở Hà Nội đã đề nghị: Chủ tịch TP Hà Nội ra Chỉ thị cấm thu tất cả các loại quỹ phường, quỹ tổ, rất nhiều loại quỹ khác mà tổ dân phố đang triển khai thu tại nhà dân. Lý do tiền hỗ trợ dân bị thất nghiệp, ảnh hưởng bởi Covid-19 còn chưa phát tới tay dân, việc thu quỹ trong thời điểm nay là hành động “vô cảm” của chính quyền.

Hậu Covid-19: Vẫn tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm / Phát hiện 3 cán bộ xã thuộc "hộ cận nghèo" nhận tiền hỗ trợ COVID-19

Người dân đề xuất Chủ tịch TP Hà Nội ra lệnh cấm thu các loại quỹ phường, quỹ tổ

Mới đây, trên Facebook cá nhân, chị Q.P một người dân ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã nêu ra ý kiến: “Đề nghị Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra Chỉ thị cấm thu tất cả các loại quỹ phường, quỹ tổ, và rất nhiều loại quỹ khác mà tổ dân phố đang triển khai thu tại nhà dân. Chỉ thị này cần yêu cầu cấm triển khai thu quỹ ở tất cả các quận, huyện trong thành phố Hà Nội”.

Lý do chị Q.P đưa ra đề xuất này là vì, dịch bệnh đã khiến rất nhiều người dân thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập. Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đã triển khai kê khai danh sách đề nghị nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp của Nhà nước (trong gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng), nhưng số tiền cứu trợ này vẫn chưa tới tay rất nhiều người dân. Tuy nhiên, trong tuần qua, tổ dân phố ở nhiều nơi trong thành phố đã đến từng nhà dân thu đủ các loại quỹ, bao gồm: Quỹ phường, quỹ tổ dân phố, quỹ vì trẻ thơ, quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ tình nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi.

Theo chị Q.P, đây là đợt thu quỹ thứ hai trong năm nay, trước đó hồi cuối tháng 3/2020, phường Khương Đình đã thu 3 loại quỹ gồm: Quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam, quỹ lễ Đình Gừng. Đáng nói thêm là năm nay lễ hội Đình Gừng (nằm ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình) đã dừng tổ chức do dịch bệnh, nhưng phường vẫn triển khai thu quỹ hội làng như mọi năm.

“Việc chính quyền vẫn triển khai thu các loại quỹ giữa lúc đại đa số người dân đang gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, tiền cứu trợ của Nhà nước còn chưa nhận được, đây là hành động vô cảm của chính quyền”, chị Q.P bức xúc cho biết.

Chị Q.H (tổ 3 phường Khương Đình, Thanh Xuân) chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có một mình chồng tôi đi làm nuôi cả nhà, từ Tết tới giờ chồng tôi mới được lĩnh 2 tháng lương. Tôi thì thất nghiệp bền vững ở nhà trông con, tiền hỗ trợ cứu đói của Nhà nước tôi đã làm tờ khai, nộp hộ khẩu theo hướng dẫn cả tháng rồi nhưng cũng chưa được nhận. Tiền cứu trợ của Nhà nước chưa có, tổ dân phố còn tới thu các loại quỹ là không thông cảm và chia sẻ với khó khăn của dân. Tuy rằng nói là đóng quỹ tùy tâm, quỹ tự nguyện, nhưng tôi thấy nhà ai cũng đóng, ít hay nhiều vẫn buộc phải đóng”.

Ý kiến của chị Q.P vừa đăng lên Facebook ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người. Theo phản ánh của người dân, không riêng gì phường Khương Đình, mà các phường khác như Trương Định (quận Hai Bà Trưng), Chùa Láng (quận Đống Đa) tổ dân phố vừa đến nhà dân truy thu đủ các loại quỹ, bất chấp người dân vẫn gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh.

Anh Trọng Nghĩa (một thợ sửa chữa điều hòa tại tổ 3, phường Khương Đình) cho biết: “Xung quanh khu vực tôi ở, nhiều nhà đi thuê, nhiều công nhân vẫn nghỉ việc, mấy nhà buôn bán thì đóng cửa, mấy hàng ăn sáng quà vặt, hay cửa hàng cắt tóc, gội đầu tuy mở lại rồi nhưng cũng ế khách vì người dân giờ thắt chặt chi tiêu. Rất nhiều nhà trong tình cảnh khó khăn từ khi có dịch tới giờ, thu nhập bấp bênh”.

“Riêng tôi bị thất nghiệp từ sau Tết tới hết tháng 5 không có việc làm, phường và tổ dân phố đã hai lần kê khai trong diện thất nghiệp tạm thời, tôi đã nộp tờ khai và bản sao hộ khẩu rồi mà cũng chưa thấy tiền về. Không riêng gì tôi mà nhiều người dân ở đây đang miệt mài ngồi hóng khoản tiền cứu trợ của Nhà nước mà chưa thấy đâu.Tiền cứu đói của Nhà nước vẫn đang nằm trên tivi, trong khi mấy chị tổ dân phố vẫn tới gõ cửa từng nhà để thu quỹ, điều này khiến nhiều người dân bức xúc”, anh Trọng Nghĩa nói.

Các khoản quỹ phường, quỹ tổ mà người dân phải đóng cứng hàng năm, chưa kể một số loại quỹ thu đột xuất.

Các khoản quỹ phường, quỹ tổ mà người dân phải đóng cứng hàng năm, chưa kể một số loại quỹ thu đột xuất.

Dân Thủ đô một năm đóng bao nhiêu loại quỹ?

Trước đó, vào ngày 26/3/2020, giữa lúc Hà Nội đang thực hiện chống dịch như chống giặc, là giai đoạn chống dịch quyết liệt của Thủ Đô, phường Khương Đình vẫn chỉ đạo tổ dân phố đi thực hiện thu 3 loại quỹ (quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam, quỹ lễ Đình Gừng), việc thu quỹ được kết hợp cùng với việc triển khai lấy ý kiến dân về lựa chọn bầu tổ trưởng tổ dân phố.

Ngay sau khi phường triển khai việc này, chị Q.P với tư cách là công dân, đã gửi email cho ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nêu ý kiến về 2 vấn đề. Theo đó, đề nghị UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo cho các tổ dân phố dừng ngay việc đến từng nhà gõ cửa xin ý kiến dân về việc bầu Tổ trưởng. Vì việc bầu tổ trưởng dân phố chưa phải là cấp thiết, phải làm ngay trong khi dịch bệnh đang bùng phát, việc đến gõ cửa từng nhà lấy ý kiến bầu cử tổ trưởng vi phạm quy định giãn cách xã hội của Chính phủ, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, không đảm bảo an toàn chống dịch.

Thứ hai, chị Q.P đề nghị UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo các tổ dân phố dừng ngay việc đến nhà dân thu các loại quỹ, vì dân khi đó đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà bị mất thu nhập, rất khó khăn.

Mấy ngày sau, ông Nguyễn Xuân Lưu đã có văn bản trả lời công dân về việc UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo 11 phường dừng tổ chức bầu cử tổ dân phố, mà thực hiện chỉ định tổ trưởng lâm thời. Về đề nghị dừng thu các loại quỹ, ông Lưu hứa sẽ xem xét rồi trả lời công dân sau.

“Tuy nhiên, cho đến nay tôi chưa nhận được câu trả lời cho đề nghị Quận chỉ đạo tạm dừng thu quỹ từ UBND quận Thanh Xuân. Cách đây vài hôm lại tiếp tục có đội dân phố đi gõ cửa từng nhà để thu quỹ”, chị Q.P cho biết.

Thư của Bí thư kiêm Chủ tịch quận Thanh Xuân trả lời công dân.

Thư của Bí thư kiêm Chủ tịch quận Thanh Xuân trả lời công dân.

Trên mạng xã hội, nhiều người đặt ra câu hỏi: Dân Hà Nội đang phải đóng bao nhiêu loại quỹ? Câu trả lời nhận được là: “Nhiều, rất nhiều, thậm chí có người không nhớ nổi”. Ví dụ, như ở phường Khương Đình, ngoài các quỹ cứng năm nào cũng nộp như: Quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam, quỹ hội làng, quỹ phường, quỹ tổ dân phố, quỹ vì trẻ thơ, quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ tình nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi, quỹ bảo trợ xã hội, quỹ phụ nữ… Thì còn một số loại quỹ đột xuất như: Quỹ chữ thập đỏ, quỹ cựu chiến binh, quỹ tu bổ tượng đài liệt sĩ, quỹ ủng hộ thiên tai…

Theo kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra năm 2019 thành phố Hà Nội có 2.224.107 hộ dân. Giả sử, chỉ bình quân mỗi hộ dân đóng 500.000 đồng cho các loại quỹ mỗi năm, thì số tiền thu được từ hơn 2,2 triệu hộ dân là rất lớn. Con số thống kê về số quỹ tiền mặt thu trực tiếp từ trong dân hầu như chưa bao giờ được công khai. Liệu các khoản quỹ mà dân nộp bằng tiền mặt này có chi tiêu đúng mục đích hay không, những người nộp tiền vào quỹ có được gửi thông báo về thu chi, hay tham gia giám sát việc chi tiêu hay không? Rất nhiều người dân muốn biết câu trả lời về vấn đề này.

“Hai mươi năm sống ở Thủ Đô, năm nào tôi cũng đóng đủ các loại quỹ, nhưng chưa bao giờ được thông báo chính thức về số tiền mà mình đóng góp này được chi tiêu thế nào, có đúng mục đích khi thu hay không. Hoặc chí ít phường cũng công khai trên trang web, hay cổng thông tin điện tử của Quận”, chị Q.P cho hay.

Thử làm phép tính, ví dụ như nhà chị Hoàng Hà (ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa), mỗi năm đóng quỹ 2-3 đợt, mỗi đợt tầm 200.000 đồng, một năm tổng cộng đóng quỹ từ 500.000 - 600.000 đồng. Giả sử 1 triệu hộ dân Hà Nội đóng quỹ cũng lên tới 500 - 600 tỷ đồng mỗi năm, còn nếu 90% số hộ dân đóng quỹ (2 triệu hộ) thì số tiền này lên tới 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền lớn khủng khiếp do dân đóng góp rất cần có biện pháp giám sát một cách minh bạch.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm