Điều gì sẽ xảy ra nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng?
Đang đêm bật dậy nấu cơm, đi bắt cá là bệnh gì? / Tín hiệu tích cực trong điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ
Theo Bộ Y tế, vaccine có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vaccine mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả: Trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90 - 95%, cho dù mầm bệnh vẫn có thể xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này không xảy ra.
Khi tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ xuống thấp hoặc ngừng tiêm chủng sẽ có nhiều nguy cơ bệnh tật mà con người phải đối mặt:
Hàng rào miễn dịch bị phá vỡ
Tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người "sống thuận theo tự nhiên" hay không. Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vaccine…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Bởi vì một thể trạng sức khỏe tốt nói chung chưa đủ để giúp trẻ thoát khỏi bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chỉ có miễn dịch đặc hiệu với từng bệnh mới giúp trẻ không mắc bệnh đó.
Những bệnh dịch đã khống chế, loại trừ sẽ quay trở lại
Vaccine là một trong những thành tựu lớn nhất về y học của nhân loại. Những thành quả to lớn mà vaccine mang lại đã giúp loại bỏ, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến ở trẻ em.
Nước Mỹ đã loại trừ bệnh sởi từ năm 2000. Tuy nhiên, với tình trạng e ngại tiêm chủng của một bộ phận cha mẹ, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống, số ca mắc sởi các tháng đầu năm 2019 tăng mạnh đã khiến dịch sởi bùng phát và tình hình dịch sởi tại quốc gia này hiện nay trở nên tồi tệ nhất trong vòng 27 năm qua.
Tại Châu Âu, ghi nhận 8.580 trường hợp mắc và 33 trường hợp tử vong do sởi trong vòng 1 năm qua. Trong đó, nhiều trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng do cha mẹ từ chối tại các nước Pháp, Italia, Đức, Romania...
Ở nước ta, trong các năm 2013 - 2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc. Hơn 100 trẻ đã tử vong khiến cho hầu hết các bậc cha mẹ lo lắng, sợ hãi. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng Đây vẫn mãi là bài học đắt giá cho hành động trì hoãn tiêm chủng, không tiêm chủng vaccine sởi.
Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây.
Giai đoạn trước triển khai vaccine 5 trong 1, nguyên nhân chính gây viêm phổi và viêm màng não vi khuẩn là do vi khuẩn Hib, chiếm trên 60% trường hợp. Tuy nhiên, đến nay, Hib không còn là nguyên nhân chính của các bệnh này nữa. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine này giảm xuống, nguy cơ hàng chục nghìn trẻ mắc viêm phổi, hàng trăm trẻ viêm màng não do Hib sẽ quay trở lại đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu sẽ gây dịch hàng năm.
Từ chối tiêm chủng không chỉ đặt con bạn vào rủi ro mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng. Trong đánh giá gần đây vào đầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp e ngại, từ chối tiêm chủng là một trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu. Năm 2018, Ủy ban quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai mạnh mẽ và toàn diện các biện pháp giải quyết tình trạng e ngại và từ chối vaccine dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp, thiết lập cơ sở pháp lý cho tiêm chủng, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng rãi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo