(DNVN) - Sáng 16/11, các đại biểu quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau khi bàn thảo về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Phòng chống tác hại rượu, bia phải thực hiện một cách triệt để
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia , Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) có ý kiến: “Nếu như các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện, nhích lên từng bậc là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị thì chỉ số tiêu thụ rượu bia không rõ đến từ đâu lại luôn đẩy xếp hạng Việt Nam từ cao đến rất cao trong khu vực và thế giới”.
Dẫn số liệu thống kê từ năm 2014 đến 2106 khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đang kể thì lượng rượu, bia người Việt tiêu thụ tăng gấp đôi; mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan rượu bia gây tổn thất 250 tỷ đồng, Đại biểu Phạm Trọng Nhân đã nhấn mạnh đến lúc phải đưa đất nước ra khỏi vị trí hàng đầu không mấy tốt đẹp về tiêu thụ rượu, bia.
“Chúng ta khó quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ thân chinh tới các đơn vị chỉ dạo và giao kế hoạch tăng trưởng để GDP để năm 2017 cán mốc 6,7%. Điều đó cho thấy để nhích lên từng chút một thì cả hệ thống phải vất vả, nỗ lực như thế nào, thậm chí có thời điểm được xem là kỳ tích, thì chiều ngược lại mỗi năm bia rượu tổn thất ít nhất 1,3% GDP quý giá của quốc gia”, ông Nhân phát biểu.
“Chúng ta chọn bảo vệ sức khoẻ nhân dân hay 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm? Nhưng đừng quên rằng, tổn thất do nó để lại lên đến 65 nghìn tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước? Vậy mà không ít người lại cổ suý là văn hoá uống”, ông Nhân phân tích thêm.
Qua đó, vị đại biểu này cho rằng, phòng chống tác hại rượu, bia phải thực hiện một cách triệt để mà không nên nguỵ biện bằng người uống có trách nhiệm hoặc bất kỳ một lý do nào khác.
Cho rằng cần thiết phải ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, Đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, việc sử dụng rượu, bia trong đời sống người dân Việt Nam hiện nay là khá bừa bãi và quá mức. Do người dân còn chưa có ý thức cao đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe.
Đặc biệt, theo GLOBOCAN (một dự án của Tổ chức nghiên cứu Bệnh ung thư Toàn cầu) năm 2018, tỷ lệ tử vong, số người tử vong do ung thư gan có liên quan đến sơ gan do rượu tại Việt Nam là 25.000 người, như vậy là gấp hơn hai lần so với tai nạn giao thông mà chúng ta gặp phải.
"Vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất"
Cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp khác nhau của các vị đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần ban hành chính sách là “vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm”.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, khi luật này ra đời thì tiếp cận ở góc cạnh sức khỏe nhiều hơn. Còn ở các mặt khác thì được chi phối ở các luật khác và phải đồng bộ với các luật hiện hành cũng như hội nhập với quốc tế.
“Về tính khẩn cấp hiện nay, tác hại của nó trên mặt sức khỏe, mặt kinh tế - xã hội, an ninh và cái lợi thì chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế và cái lợi về an sinh xã hội, sức khỏe con người. Nếu chúng ta không làm nữa thì không thể vì sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế Tiến nhấn mạnh.
Trước nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị giữ tên theo phương án số 1. Bởi đây vừa là quan điểm, vừa dễ hiểu, đơn giản và chỉ phòng chống tác hại của rượu, bia trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và cách uống chứ không ảnh hưởng đến văn hóa rượu, bia.
Nguyệt Minh