Án “cao su”, còng số 8… có đem lại công lý?
Doanh nghiệp Việt Séc lao đao vì bị ép án / Cho lùi xe ô tô trên cao tốc: Chuyện chỉ có ở tòa án Thái Nguyên
Xin điểm lại hai vụ án mà Doanh nghiệp Việt Nam đã nêuvà đặt ra câu hỏi: trường hợp phạm tội nào mới cần thiết giam giữ.
2 năm mới có một bản án… không thuyết phục!
Kết thúc phiên tòa vụ lùi xe trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên ngày 2/11, dư luận không khỏi bức xúc khi chứng kiến cảnh lái xe container Lê Ngọc Hoàng tay bị còng được đoàn tụ với vợ và hai con trai nhỏ trong giây lát.
Liệu việc giam giữ những bị cáo trong các vụ án như thế này có làm tăng được sự uy nghiêm của pháp luật? Câu hỏi mà cộng đồng đặt ra và chia sẻ bức ảnh đầy xúc động này.
Trước khi tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra, họ đều là những công dân bình thường, thậm chí còn là công dân tốt. Tai nạn xảy ra vì nhiều lý do, nhưng chắc chắn đó là điều không ai mong muốn.
Các bị can, bị cáo trong các vụ án kinh tế, phần lớn trong vụ TNGT là bản chất NGƯỜI hoàn toàn khác hẳn với những kẻ gây án cướp của, giết người, hiếp dâm, ấu dâm… vì vậy việc tạm giam họ là điều mà dư luận cho rằng hoàn toàn không cần thiết.
Giây phút đoàn tụ ngắn ngủi của bị cáo Lê Ngọc Hoàng với gia đình. Ảnh Internet
Vụ án lùi xe trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên xảy ra ngày 19/11/2016, phải đến gần 2 năm sau mới có bản án có hiệu lực pháp luật. Lái xe Lê Ngọc Hoàng bị khởi tố bị can và bắt tạm giam ngày 15/2/2017.
Thế nhưng trong vụ án này, các cơ quan tố tụng đã không thể chứng minh thuyết phục bị cáo Lê Ngọc Hoàng vi phạm quy định nào của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), nhưng lại buộc bị cáo Hoàng phạm Tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"
Thực tế điều tra, truy tố, xét xử đã chứng minh việc lạm dụng hình thức tạm giam đã “gây khó” cho HĐXX.
Nhiều bản án đã được tuyên bằng đúng thời hạn tạm giam của bị cáo, gây bất bình dư luận.
Hơn 5 năm mới sắp xét xử một vụ TNGT
Nếu so thời gian điều tra, truy tố, xét xử thì 2 vụ lùi xe trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên còn quá “nhanh gọn” so với vụ án chìm tàu tại Cần Giờ (TPHCM).
Dự kiến ngày 26/11/2018 Tòa án nhân dân TPHCM sẽ đưa 2 bị cáo của vụ án này ra xét xử với tội danh “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Ngày 2.8.2013 đã xảy ra vụ chìm tàu PPC làm chết 9 người tại biển Cần Giờ, TPHCM. Ngay sau khi vụ án TNGT nghiêm trọng này xảy ra, cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là chở quá số người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động…
Hành vi của người lái tàu được xác định “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.
Do người lái tàu cũng đã chết trong tai nạn nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT), CA TPHCM đã không khởi tố về hành vi này.
Điều nghịch lý là các ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Cty CP công nghệ Việt Séc và ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Marina – những người đã đưa công nghệ vật liệu PPC (Polypropylen – Poslystone Copolyme) và sản xuất tàu thuyền ở VN lại bị khởi tố, truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Ngày 24/10/2013, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tiến hành khởi tố, bắt khẩn cấp ông Vũ Văn Đảo và ông ĐinhVăn Quyết. Sau 9 tháng tạm giam, đến ngày 24/7/2014 thì cơ quan điều tra phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn này.
Cty CP công nghệ Việt Séc do ông Vũ Văn Đảo làm giám đốc được thành lập ngày 6.4.2012, chuyên sản xuất tàu thuyền
Theo Cáo trạng số 474 ngày 17.10.2014 của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TPHCM, “ngày 29.3.2013 Cty Việt Séc ký hợp đồng bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2 tàu ca nô cao tốc ký hiệu H29 và H790”. Chiếc H29 chính là chiếc tàu chở quá số người quy định và bị đắm ở biển Cần Giờ ngày 2.8.2013.
Bản cáo trạng cho rằng, sau khi 2 tàu được bàn giao cho Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu “nhưng do hai tàu này sản xuất bằng công nghệ vật liệu PPC nên chưa được Cục Đăng kiểm VN cấp đăng kiểm”.
Bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng nhấn mạnh: “Mặc dù chưa được phép sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ và vật liệu mới PPC nhưng Vũ Văn Đảo vẫn tiến hành sản xuất, bán và sử dụng tàu thuyền công nghệ PPC gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Thế nhưng, thực tế là ngày 16.7.2013, hai tàu này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật với ký hiệu ghi trong giấy đăng kiểm là BP 12-04-02 (tàu H29) và BP 12-04-01 (tàu H790).
Một chiếc tàu đóng bằng công nghệ vật liệu mới PPC được Cty Việt Séc sản xuất cung cấp cho bộ đội biên phòng.
Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân đã đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho hai tàu H29 và tàu H790, tại sao cơ quan tố tụng TPHCM lại “cố” vin vào việc Cục Đăng kiểm VN chưa cấp đăng kiểm cho công nghệ đóng tàu PPC của Cty Việt Séc để khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”?!.
Vụ tai nạn liên quan đến tàu của quân đội, đương nhiên thuộc thẩm quyền điều tra của quân đội. Thế nhưng sau khi Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật thì các cơ quan tố tụng TPHCM vẫn cố tình vi phạm thẩm quyền, điều tra, truy tố ông Đảo và ông Quyết.
Và cuộc hành trình đi tìm công lý của ông Đảo và ông Quyết vẫn là con đường phía trước.
Không ít người trở về từ trại tạm giam, tạm giữ đã thốt lên rằng, bị can còn khổ hơn bị án. Vì bị can chưa thành án phải giam giữ chung với "đủ loại tội phạm".
Ngay cả đối với những bị cáo đã có án, thì tại phiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vào chiều 12/11, ĐBQH Hồ Đức Phớt, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề xuất nghiên cứu "tù tại gia" để giảm tình trạng quá tải ở trại giam, vừa giảm ngân sách Nhà nước vừa thể hiện tính nhân văn và chỉ áp dụng trường hợp phạm tội nhẹ, ít có có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (Quốc hội) nói rằng, đây là hướng nghiên cứu cần thiết, một số nước đã áp dụng gắn chíp, theo dõi phạm nhân được quản lý tại nhà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo