Tin tức - Sự kiện

Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài 1: Lắp mảnh ghép thành hệ thống hoàn chỉnh

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chưa bao giờ việc triển khai "siêu dự án" đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông lại khẩn trương và thần tốc như hiện nay.

Khởi công cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng / Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh nghỉ học do mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua; trong đó, xác định một trong ba đột phá chiến lược là “tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông".

Chú thích ảnh
Ngoài khó khăn về giải phóng mặt bằng, tuyến Cao tốc Vân Phong - Nha Trang còn đối mặt với khó khăn về di dời hạ tầng kỹ thuật. Hiện toàn tuyến cao tốc này có 164 vị trí hạ tầng kỹ thuật, trong đó 20 công trình điện cao thế chưa được di dời. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Nhìn tổng thể, hình hài trục cao tốc xương sống của dải đất Việt Nam hình chữ S đang dần hoàn thiện và sẽ sớm nối liền. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả rõ rệt vẫn còn những tồn tại, bất cập như: Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngập sau một trận mưa lớn. Cùng với đó, các tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Nha Trang – Cam Lâm có tổng chiều dài gần 250 km... không một trạm xăng; nhiều đoạn cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, bị mất sóng điện thoại, rất bất tiện cho tài xế lẫn hành khách. Điều này cần sớm có giải pháp tháo gỡ để từ đó khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông hiện đại này.

Nhằm phản ánh rõ hơn về hiện trạng cũng như đưa ra các giải pháp định hướng phát triển hệ thống đường cao tốc, TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết về chủ đề Bất cập quy hoạch cao tốc.

Bài 1: Lắp mảnh ghép thành hệ thống hoàn chỉnh

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù những lợi ích của hàng loạt dự án đường bộ cao tốc đem lại cho nền kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận nhưng vẫn còn một số tuyến mới đưa vào khai thác đã lộ ra nhiều bất cập trong thiết kế, xây dựng.

Lộ diện bất cập

 

Một loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đưa vào khai thác gần đây người dân phản ánh chưa có trạm dừng nghỉ, khiến nhiều tài xế rơi vào cảnh muốn đi vệ sinh cũng không được, xe hết nhiên liệu không biết tìm cây xăng ở đâu. Hay nhiều đoạn tuyến dù được gắn biển cao tốc, nhưng tốc độ xe chạy chỉ tối đa 80 km/h, với 1-2 làn xe chạy mỗi chiều; làn dừng khẩn cấp không liên tục…. Không những thế, có những đoạn cao tốc không được thiết kế dải phân cách, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, khi di chuyển trên cao tốc có nhiều đoạn xảy ra tình trạng mất sóng điện thoại gây khó khăn trong việc liên lạc và xử lý tình huống. Toàn tuyến cao tốc TPHồ Chí Minh đi Bình Thuận dài hơn 250 km chỉ có 1 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc nên nhà vệ sinh duy nhất này luôn trong tình trạng quá tải, người đi cao tốc phải xếp hàng dài chờ tới lượt.

Tại khu vực miền Trung, anh Đặng Văn Chỉnh, tài xế xe hợp đồng ở thành phố Huế cho biết, anh thường chở khách qua lại giữa Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng trên cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên vì đi đường này không mất phí như đi Quốc lộ 1, đường lại không có xe máy. Tuy nhiên, cao tốc chỉ có 1 làn xe mỗi chiều, không có dải phân cách cứng, tốc độ tối đa 80 km/h. Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn được vẽ vạch liền để phân làn, nếu không may gặp 1 xe chạy tốc độ dưới 80 km/h, đặc biệt là xe tải, thì những xe phía sau phải "bò theo" vì không có vị trí vượt sẽ gây nguy hiểm.

Cùng với đó, dư luận không khỏi bất ngờ khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn thuộc địa phận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) bị ngập sâu gần 1m, khiến xe cộ ùn tắc kéo dài. Việc một đoạn cao tốc vừa làm xong bị ngập nặng được đánh giá là rất hiếm khi xảy ra. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đưa ra phương án xử lý dứt điểm, không để "hòa cả làng" và ngăn chặn tình trạng ngập lụt tái diễn khi mưa lớn.

Thừa nhận những bất cập trên đang tồn tại đối với một số đoạn tuyến cao tốc vừa đưa vào khai thác, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, với kế hoạch xây dựng 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030. Việc này đòi hỏi tốc độ xây dựng khoảng 380 km cao tốc/năm, gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước. Áp lực đầu tư đường cao tốc là rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Mức vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn thấp hơn so với mức từ 3,5 - 4,5% GDP được đặt ra trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải.

 

Theo tính toán đến năm 2030, nguồn vốn đầu tư cho hệ thống đường bộ cao tốc khoảng 813 nghìn tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 389 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ cân đối được khoảng 66% kinh phí. Cụ thể, năm 2020 mới bố trí được 395 nghìn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí được thêm khoảng 370 nghìn tỷ đồng. Do đó, để đạt mục tiêu đường cao tốc theo quy hoạch, nhà nước thực hiện phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khi đủ nguồn lực và nhu cầu đi lại tăng thì mới đầu tư tiếp để hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam thừa nhận, hiện cả nước có 581 km cao tốc được đầu tư phân kỳ quy mô 2 làn xe hạn chế; trong đó, có 313 km đã đưa vào khai thác dẫn đến một số khó khăn khi khai thác như: tốc độ lưu thông chậm hơn, năng lực thông hành thấp hơn so với quy mô quy hoạch...

Tăng tốc xây dựng

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, để khắc phục các bất cập hoạt động của các đường cao tốc như trên, Bộ Giao thông vận tải đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Báo cáo phương án nâng cấp các đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ thành đường cao tốc phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế. Sau khi hoàn thành sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, cân đối nguồn vốn phù hợp để đầu tư. Theo đó, Bộ sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng các đường cao tốc hiện đang khai thác với quy mô 2 làn xe và có lưu lượng giao thông lớn thành đường cao tốc có tối thiểu 4 làn xe.

Về việc thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thừa nhận có bất cập, bất tiện cho người dân. Trong thiết kế các dự án cao tốc đều định hướng vị trí đặt trạm dừng nghỉ, nhưng phần công trình này có sức hút với nhà đầu tư, nhờ các hoạt động thương mại, nên Bộ ưu tiên kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Dự kiến, cuối năm nay, Bộ Giao thông vận tải sẽ phát hành hồ sơ kêu gọi đầu tư 36 trạm dừng nghỉ trên đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

 

Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có công văn chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) khẩn trương thi công hoàn thành dứt điểm các hạng mục còn lại của dự án cao tốc thành phần: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Văn bản của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, các dự án thành phần nêu trên đã được thông xe đưa vào khai thác, sử dụng tuyến chính. Nhưng, sau khi các dự án thông xe, các nhà thầu chưa tập trung triển khai thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại theo yêu cầu. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án, doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn tập trung thi công đảm bảo hoàn thành các hạng mục công việc còn lại của dự án như: đường gom, hàng rào, đường ngang, cầu vượt ngang, các tồn tại khác…theo hợp đồng đã ký.

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc. Giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI, đưa vào khai thác thêm 1.074 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163 km. Từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các tuyến đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước đến nay lên 1.729 km. Như vậy, chỉ trong 3 năm, dự án đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây.

Có được kết quả như trên là do các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết; trong đó, có một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai như cho phép triển khai sớm, đồng thời các công việc của bước lập dự án đầu tư; bước lập thiết kế kỹ thuật, dự toán. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương, thực hiện các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng, đủ điều kiện triển khai dự án…

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận: Hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc đang chuyển mình từng ngày. Những tuyến cao tốc hiện đại dần được nối dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, lắp dần các mảnh ghép để hình thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm nên nhiều dự án cao tốc Bắc – Nam liên tiếp được khánh thành.

 

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã khánh thành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam nối liền thủ đô Hà Nội với Thanh Hoá, Nghệ An dài gần 200 km. Miền Trung cũng hình thành một dải cao tốc kết nối từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, dài hơn 200 km từ đó tạo ra một trục cao tốc liên hoàn tại khu vực này. Hay, tại khu vực miền Nam, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã tạo ra trục cao tốc liên hoàn từ trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất của cả nước là TPHồ Chí Minh đi các tỉnh Nam Trung Bộ.

Dự kiến, cuối năm nay sẽ đưa vào khai thác cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và sang năm 2024 sẽ đưa vào khai thác 2 dự án thành phần cao tốc cuối cùng giai đoạn 1 là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thực tế đã chứng minh việc đưa các cao tốc vào khai thác mang lại những lợi ích lớn cho xã hội. Cụ thể, tính toán việc lưu thông trên 3 tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHồ Chí Minh-Trung Lương và TPHồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây so với các tuyến quốc lộ song hành, mỗi phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ tiết kiệm khoảng 5.265 đồng/km; trong đó, 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa, hành khách trên đường. Đối với người sử dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện.

Đơn cử, riêng với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Ninh Bình - Nghệ An đưa vào khai thác đã nối thông cao tốc từ Hà Nội tới Nghệ An, rút ngắn thời gian đi ô tô giữa 2 đầu tuyến còn hơn 3 giờ đồng hồ, thay vì 5 giờ như trước đây... Không chỉ góp phần tăng năng lực lưu thông, tuyến đường cao tốc này còn tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các địa phương. Trục cao tốc này hứa hẹn sẽ phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã bố trí hơn 8.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư xây mới, nâng cấp một số tuyến đường kết nối với cao tốc. Qua đó, phát huy hiệu quả hạ tầng của địa phương kết nối với hạ tầng quốc gia, tạo ra dư địa cho phát triển công nghiệp, du lịch của địa phương.

 

Số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, nhờ hạ tầng đang được đầu tư hoàn chỉnh, nên chi phí logistics đã giảm đáng kể. Riêng năm 2022, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% GDP, mức này đã giảm đáng kể so với năm 2018 (khoảng 21% GDP). Mặc dù chi phí logistics vẫn còn cao so với mức bình quân chung của thế giới (ở mức 10,6%), nhưng cũng đã có những thay đổi tích cực.

Bài 2:Xây dựng tầm nhìn quy hoạch

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm