Giáo dục

Học sinh miền núi Nghệ An gian nan tìm con chữ giữa mùa dịch COVID-19

DNVN - Giữa lúc dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, hàng chục nghìn học sinh tại Nghệ An đang gặp khó trong việc học online do thiếu thiết bị máy tính, điện thoại. Nhiều nơi học sinh còn phải lên đồi cao để "hứng sóng" Internet...

TP.HCM: Ứng dụng công nghệ để chống quay vòng, hợp thức hóa lâm sản không rõ nguồn gốc / Nghệ An: Cán bộ Công an hi sinh khi làm nhiệm vụ tại chốt trực COVID - 19

Mặc dù tỉnh Nghệ An đã cho học sinh trở lại trường sau thời gian dài giãn cách xã hội nhưng vẫn tổ chức học online tuần 1- 2 buổi. Tại những huyện khó khăn, biên giới như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong…, việc học trực tuyến rất khó thực hiện do nhiều nơi mạng Internet và trang thiết bị chưa đáp ứng được.

Học sinh miền núi Nghệ An phải lên đồi cao để hứng sóng học online.

Học sinh miền núi Nghệ An phải lên đồi cao để hứng sóng học online.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn xây dựng phương án dạy học ứng phó dịch COVID-19 năm học 2021-2022. Theo đó, có 3 phương án dạy học trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, 15 và 19.

Cụ thể, đối với các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 sẽ triển khai dạy học trực tuyến. Riêng đối với các huyện miền núi kết hợp dạy học trực tuyến và hình thức giao bài để đảm bảo tất cả học sinh đều được học tập.

Đối với các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, triển khai dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó dạy học trực tiếp tương đương 50% nội dung và thời lượng. Khi dạy học trực tiếp các nhà trường thực hiện việc chia lớp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

 

Nhiều học sinh ở các huyện đồng bằng, thành phố đủ trang thiết bị để học online trong dịch COVID-19.

Trong khi đó nhiều học sinh ở các huyện đồng bằng, thành phố ở Nghệ An có đủ điều kiện, trang thiết bị để học online trong dịch COVID-19.

Đối với địa phương thực hiện Chỉ thị 19 sẽ dạy học trực tiếp, đối với các trường có học sinh lớn, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao chia các khối học theo ca để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ngoài ra, duy trì ít nhất mỗi tuần 1 buổi học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp, đồng thời nâng cao kỹ năng dạy, học trực tuyến, sẵn sàng chủ động chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến khi tình hình dịch diễn biến phức tạp (trừ các trường vùng khó khăn).

Ông Lữ Thanh Hà – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong cho biết, toàn huyện có hơn 20.000 học sinh từ các cấp mầm non, tiểu học và THCS. Sau một thời gian phải tạm dừng dạy học vì có ca nhiễm COVID-19, đến nay, 13 xã, thị trấn đang áp dụng dạy học online và dạy trực tiếp.

 

Hiện Quế Phong còn 2 xã đang thực hiện Chỉ thị 16 là Mường Nọc và Tri Lễ. 11 xã còn lại đang thực hiện Chỉ thị 15, trong vài ngày tới nếu không có ca nhiễm COVID-19 thì sẽ chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19. Lúc này, việc dạy học trực tiếp sẽ trở lại bình thường, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

“Đối với những học sinh không có máy tính để học online thì giáo viên sẽ đi giao bài tập tại nhà. Còn những địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 thì sẽ giao ở chốt và tổ COVID cộng đồng sẽ mang đến từng bản cho học sinh”, ông Hà nói.

Còn ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: "Căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế, chúng tôi chỉ tổ chức dạy học online ở vùng thị trấn, thuận lợi. Còn đối với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì chúng tôi đang tính nhiều phương án để triển khai chứ không nhất thiết phải học online vì sĩ số học sinh không đông, sẽ chia nhỏ ra học vẫn đảm bảo giãn cách, an toàn".

Nhiều học sinh mùi núi Nghệ An được tặng điện thoại để học online

Nhiều học sinh mùi núi Nghệ An được tặng điện thoại để học online.

 

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh Nghệ An có 69.729 em thiếu thiết bị để học trực tuyến, trong đó có 42.449 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày 19/9, Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành giáo dục đã vận động quyên góp được 2.833 điện thoại, 6.400 sim 3G, 110 máy vi tính, 125 triệu hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 11 tỷ đồng.

“Để việc dạy và học có thể thu hút được nhiều nhất số học sinh tham gia, ngành giáo dục Nghệ An đã lên kế hoạch, chia thành các múi giờ để dạy đối với từng cấp học, nhằm giảm tải lượng máy móc phương tiện, đặc biệt đối với những gia đình có nhiều học sinh. Bên cạnh đó, đối với những địa phương học sinh chưa đủ thiết bị thì khuyến khích việc học theo nhóm cùng chung 1 bộ máy, tại khu dân cư. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng sẽ linh động việc áp dụng tổ chức vừa dạy trực tuyến, vừa trực tiếp. Đối với những vùng dịch bệnh được kiểm soát, đủ điều kiện thì vẫn triển khai dạy trực tiếp”, ông Hoàn nói.


Thủy Tiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm